Hiểm họa từ thói quen tiếc rẻ đồ ăn thừa
Nhiều người vì tiếc thực phẩm, thức ăn thừa nên cắt bỏ phần bị hỏng, sử dụng phần còn lại sau khi hâm nóng hoặc bỏ nhiều muối để kho… Cách tận dụng thức ăn như vậy có thể nguy hại đến sức khỏe, dễ gây ra ngộ độc thực phẩm.
Tiếc của "không phải lối"
Trong cuộc sống hiện đại bận rộn, nhiều người thường đi chợ từ 1 - 2 lần/ tuần thay vì đi chợ hằng ngày, thức ăn mua về cũng cố mua “dư một chút”. Thói quen này khiến cho một lượng không nhỏ thực phẩm, thức ăn thừa được “tích trữ” trong tủ bếp và tủ lạnh; chúng dễ bị hỏng, nấm mốc, ôi thiu khi lâu không được sử dụng.
Không giống như thức ăn đóng gói sẵn có hạn sử dụng rõ ràng, đồ ăn tươi rất khó để đo lường khoảng thời gian còn sử dụng được sau khi cất trữ. Chuyện thực phẩm tươi sống bị hỏng thường xảy ra, tuy nhiên, ngay cả khi thấy thực phẩm bắt đầu đổi màu sắc, có dấu hiệu chua hay bị nhớt bên ngoài nhưng vì tiếc rẻ nên nhiều người vẫn cố ăn. Với các loại thực phẩm như thịt lợn, thịt bò, gà, cá hay giò chả… bắt đầu có chút “mùi lạ”, nhiều người không bỏ đi mà chế biến bằng cách cho thêm nhiều muối, gia vị, sau đó rán hoặc kho mặn để tiếp tục ăn. Còn khi các loại hoa quả, bánh trái… có dấu hiệu nấm mốc, hư thối, không ít người chọn cách cắt bỏ những phần đã hỏng và sử dụng phần còn lại.
Các chuyên gia về dinh dưỡng và y tế cảnh báo, chúng ta cần mạnh dạn loại bỏ các loại thực phẩm bị nghi ngờ ôi thiu - kể cả thực phẩm chế biến sẵn chưa hết hạn sử dụng. Không nên vì “tiếc của” mà cố ăn những phần còn lại của thực phẩm đã bị mốc, bởi kể cả khi đã loại bỏ những phần mốc thì phần còn lại cũng không còn an toàn với người sử dụng. Cần biết rằng, chúng ta không thể xác định phần còn lại này có bị mốc hay không bởi với bào tử vi nấm thì phải soi bằng kính hiển vi mới có thể thấy được.
Một số loại nấm mốc như vi nấm Aflatoxin gây xơ gan và ung thư gan hoàn toàn không bị tiêu diệt bởi nhiệt độ, dù có nấu đến 100oC. Vi nấm đã chết nhưng độc tố thì vẫn còn tồn tại. Vi nấm Aflatoxin không gây ngộ độc ngay nhưng “mưa dầm thấm đất”, chúng từ từ phá gan và gây ung thư.
Rước bệnh vì tiếc rẻ đồ ăn hỏng
Mùa hè nắng nóng, bảo quản thực phẩm không đúng cách có thể khiến thực phẩm bị ôi thiu, tạo thuận lợi cho vi khuẩn, ký sinh trùng sinh sôi. Trong khi đó, cơ thể trong mùa nắng nóng thường mệt mỏi, sức đề kháng giảm, nếu ăn phải thực phẩm không an toàn thì rất dễ bị ngộ độc.
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp nhận một số trường hợp bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm. Bác sĩ Huỳnh Hoài Phương (Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) cho biết: “Vào mùa hè, người dân nên cẩn trọng trong việc bảo quản, chế biến thực phẩm và ăn uống, bởi nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, nấm mốc và tác nhân gây hại khác sinh sôi, phát triển nhanh chóng. Các trường hợp tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thường do vi khuẩn Salmonella, Botulinum, E. Coli, Campylobacter, Listeria... gây ra”.
Cụ thể, ở khoảng 32 - 43 độ C, vi khuẩn phát triển nhanh nhất, chúng có thể nhân đôi chỉ sau 20 phút. Theo bác sĩ Hoài Phương, với các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật, có nhiều dầu, đạm như thịt, cá, hải sản, sữa… thì nguy cơ bị ôi thiu hoặc vi khuẩn gây bệnh xâm nhập là rất cao.
Trong khi đó, vào mùa hè với nhiệt độ cao, hệ miễn dịch của cơ thể dễ bị suy giảm, nhất là ở trẻ nhỏ và người cao tuổi. Khi tiếp xúc với độc tố của vi khuẩn trong thực phẩm, cơ thể sẽ giảm khả năng chống cự.
Một số biểu hiện của ngộ độc thực phẩm là đau bụng, nôn, mệt mỏi, tiêu chảy, sốt… Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời thì cơ thể bị mất nước và nhiễm độc nặng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, nếu các dấu hiệu ban đầu không được cải thiện và thấy nhịp tim nhanh, đi tiểu ít hoặc không có nước tiểu, tiêu chảy ra máu, sốt cao, người bệnh cần được bác sĩ thăm khám để chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.