Kỳ vọng lãi suất thấp hơn trong thời gian tới
Việc Ngân hàng Nhà nước liên tiếp hạ lãi suất điều hành là thông tin tốt đối với cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, đứng trước khó khăn chung của nền kinh tế, doanh nghiệp vẫn mong mặt bằng lãi suất thấp hơn nữa và giữ ổn định.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú:
Phải bảo đảm an toàn hệ thống
Chính sách luôn có độ trễ nên giải pháp lúc này là làm thế nào để độ trễ ngắn hơn. Ngân hàng Nhà nước vẫn trên tinh thần chỉ đạo, vận động các ngân hàng thương mại phải giảm lãi suất chung.
Ở góc độ Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi rất muốn tăng tín dụng, nhưng không phải bằng cách hạ chuẩn tín dụng, mà tăng phải bảo đảm hiệu quả, chất lượng.
Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro được nhìn nhận ở mức cao hơn, hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả; chi phí nhập nguyên, vật liệu cao, trong khi đầu ra là đơn hàng giảm nên các tổ chức tín dụng cũng khó khăn trong quyết định cho vay để bảo đảm an toàn hệ thống. Do đó, việc bảo đảm an toàn tín dụng là nguyên tắc "bất di bất dịch".
Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính):
Mối quan hệ cộng sinh
Ngân hàng - doanh nghiệp có mối quan hệ cộng sinh. Doanh nghiệp cần vốn từ ngân hàng để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Còn ngân hàng huy động vốn thì cần cho doanh nghiệp vay. Khi doanh nghiệp vay nhiều, ngân hàng sẽ có cơ hội tăng lợi nhuận. Doanh nghiệp vay nhiều có nghĩa là sản xuất, kinh doanh tốt lên, từ đó đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Vòng quay vốn này phải được duy trì ổn định, đều đặn. Vì thế, ngân hàng cần đồng hành cùng doanh nghiệp, gỡ khó cho doanh nghiệp.
Trước đây, việc giảm lãi suất huy động nhưng lãi cho vay giảm từ từ vì giảm lãi suất thời điểm đó có thể mang tính nhất thời. Tuy nhiên, hiện giảm lãi suất là xu hướng chung, dài hạn của nền kinh tế, lãi suất huy động có thể giảm ít nhưng lãi suất cho vay sẽ giảm nhiều trong thời gian tới.
Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị điện N.V.H Nguyễn Văn Hiến:
Lãi suất giảm cũng chưa vay
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực. Vì vậy, những doanh nghiệp nào may mắn thì mới cầm cự, tồn tại được, số doanh nghiệp có lãi rất ít. Với nhiều doanh nghiệp, việc giảm lãi suất lúc này được ví như “nắng hạn gặp mưa rào”. Tuy nhiên, có thể do độ trễ của chính sách nên trên thực tế, lãi suất cho vay mới vẫn cao, khoảng 8,7-9,2% với kỳ hạn ngắn; trong khi lãi suất các khoản vay cũ không được giảm. Doanh nghiệp không dễ tiếp cận vốn bởi ngân hàng lo ngại nợ xấu nên đưa ra các điều kiện cấp tín dụng chặt chẽ.
Chúng tôi làm trong ngành Điện với hoạt động chính là cung cấp thiết bị điện cho các dự án. Không giống như nhiều ngành khác là chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19, mà ngành này còn có độ trễ nhất định. Từ giữa năm 2022, doanh nghiệp cung thấp thiết bị điện đã “ngấm” nặng bởi dịch Covid-19 khi mà đơn hàng chỉ nhỏ giọt, giảm đến 70-80% so với trước.
Chính vì vậy, việc giảm lãi suất có thể tốt với những doanh nghiệp khác, còn với chúng tôi vào thời điểm này không có nhiều ý nghĩa vì vay vốn cũng không biết để làm gì. Thực tế cũng cho thấy, hoạt động sản xuất thương mại của cộng đồng doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, sức cầu trong nước cũng rất chậm.
Đại diện Công ty Ecole de Art Hoàng Thị Linh:
Thông tin tốt đối với doanh nghiệp
Nguồn vốn đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp. Nguồn vốn có lưu thông tốt, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mới trơn tru, hiệu quả. Vì vậy, chúng tôi rất vui khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ thêm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp. Đây là thông tin rất tốt đối với những doanh nghiệp đang cần vốn. Với việc giảm lãi suất cho vay, chi phí của doanh nghiệp sẽ giảm, giúp doanh nghiệp duy trì mọi hoạt động đầu tư, tái thiết hệ thống sản xuất, kinh doanh.
Ngoài việc hỗ trợ từ chính sách tiền tệ, muốn phục hồi, phát triển kinh tế, theo tôi chính sách tài khóa và tiền tệ cần phải phối hợp rất nhịp nhàng; cần tiếp tục triển khai hiệu quả hơn các chính sách tài khóa, đặc biệt các gói hỗ trợ phục hồi cho nền kinh tế. Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ thúc đẩy cung ứng hàng hóa, sản phẩm.