Chuyển đổi số ở các cơ quan nhà nước: Vẫn gặp nhiều rào cản
Các cơ quan nhà nước đang đẩy mạnh chuyển đổi số để thay đổi quy trình làm việc, quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động, phục vụ người dân, doanh nghiệp… ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, quá trình này vẫn gặp nhiều rào cản và để giải quyết các đơn vị cần nỗ lực hơn nữa, chuyển đổi số một cách thực chất mang lại giá trị cho người dân, đất nước.
Vướng mắc về chính sách
Tại một số cuộc họp về quản lý nhà nước chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông vừa qua, một số bộ, ngành, địa phương đã phản ánh tình trạng nhiều chính sách, quy định trở thành rào cản, ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi số tại địa phương và bộ, ngành.
Liên quan đến chia sẻ dữ liệu, các sở thông tin và truyền thông tỉnh Điện Biên, Cần Thơ, Thanh Hóa cho biết, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước còn hạn chế, chưa cung cấp được dữ liệu mở cho người dân và doanh nghiệp để phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Còn theo đại diện Trung tâm Công nghệ thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do thiếu quy định nên đơn vị gặp khó khăn trong việc xác định đơn giá thuê xây dựng nền tảng dữ liệu chuyên ngành…
Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cũng gặp một số khó khăn bắt nguồn từ việc xây dựng, thẩm định các dự án công nghệ thông tin. Đại diện đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin của Bộ Khoa học và Công nghệ lo ngại về rủi ro khi thẩm định dự án công nghệ thông tin trong điều kiện nhân lực hạn chế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, định mức, đơn giá trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số chưa đầy đủ, chưa đồng bộ.
Việc thiếu hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy hoạch, phân cấp đối với việc triển khai các hệ thống thông tin chuyên ngành của các bộ, ngành trung ương, cũng gây khó cho các địa phương khi triển khai các nhiệm vụ, dự án công nghệ thông tin, chuyển đổi số của các sở, ngành…
Phải chuyển đổi số thực chất
Khắc phục vấn đề kết nối chia sẻ dữ liệu, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đề nghị, các đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin phát hiện trường hợp nào vi phạm quy định kết nối, chia sẻ dữ liệu thì phản ánh ngay về Cục Chuyển đổi số quốc gia, để Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản nhắc nhở. “Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về nội dung này”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết.
Về quy định, hướng dẫn liên quan đến dự án công nghệ thông tin, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho hay, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trực tiếp làm việc với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết tận gốc vấn đề. Tuy nhiên, bên cạnh đó các địa phương phải tập trung thay đổi căn bản việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, để nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng nêu rõ quan điểm, Bộ Thông tin và Truyền thông làm cầu nối giải quyết vướng mắc giữa các địa phương với bộ, ngành về chuyển đổi số.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trong đánh giá phần mềm, quy định hiện hành còn thiếu tiêu chí để lựa chọn. Song cũng có tình trạng người làm thẩm định không hiểu rõ vấn đề, công việc, từ đó dẫn đến sợ trách nhiệm, đẩy việc, kêu khó, ảnh hưởng đến công việc chung.
"Vì vậy, cần phải thống nhất, nếu không làm gì thì không giải quyết được nỗi sợ và phải làm thực tế mới không thấy việc đáng sợ như vậy. Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan quản lý cũng sẽ thay đổi cách hướng dẫn để địa phương dễ triển khai", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Với các bộ, ngành, nhiệm vụ chính trong chuyển đổi số là phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số trong ngành, lĩnh vực bộ, ngành quản lý. Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ lập kế hoạch làm việc với từng bộ, ngành để xác định những nền tảng số căn bản nhằm thúc đẩy chuyển đổi số của ngành đó phát triển. Bên cạnh đó, đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin của các bộ, ngành cần rà soát xem thể chế của bộ, ngành còn thiếu gì để chủ động hoàn thiện. Tương tự, các địa phương phải chủ động triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình và nâng tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công được xử lý trực tuyến, chú trọng xây dựng đô thị thông minh, hướng tới chuyển đổi số thực chất, vì người dân.
Sau hơn 3 năm chuyển đổi số quốc gia, các bộ, ngành, địa phương đã nâng cao nhận thức, có nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động về chuyển đổi số quốc gia cùng những thử nghiệm. Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng đã đến lúc phải làm một cách thực chất, tạo ra giá trị cho người dân, cho sự phát triển của đất nước.
“Chuyển đổi số sẽ là động lực tăng trưởng của Việt Nam trong trung, dài hạn, hướng đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Chuyển đổi số cũng chính là phát triển bền vững, không chỉ tiêu tốn ít tài nguyên mà còn tạo ra tài nguyên mới - tài nguyên dữ liệu; đồng thời tăng sức chống chịu của nền kinh tế bởi môi trường số, không khoảng cách, không tiếp xúc. Cần phải hiểu rộng vấn đề chuyển đổi số để tập trung triển khai thực hiện.”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.