Kiên trì với giải pháp tuyên truyền
Hà Nội đã, đang phối hợp với các địa phương kiên trì đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của Luật An toàn thực phẩm tới các hộ nông dân sản xuất người dân. Từ đó, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Quản lý tốt chất lượng nông sản nhưng vẫn cần tuyên truyền
Để có nguồn nông sản, thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, Hà Nội đã đẩy mạnh việc phát triển xây dựng những vùng chuyên canh tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Thượng (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết, với diện tích sản xuất 27ha rau an toàn, đơn vị còn xây dựng mô hình trồng rau trong nhà kính 5.000m2, với tổng kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng; trong đó huyện hỗ trợ 70%, thành viên đóng góp 30%. Với mô hình này, rau an toàn sinh trưởng, phát triển tốt, giảm sâu bệnh, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.
Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng (huyện Thanh Trì) Nguyễn Văn Thiêm, với diện tích 10ha nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, để tạo ra những sản phẩm thủy sản không có chất kháng sinh, hợp tác xã đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nuôi an toàn. Đến nay, mô hình này đã sản xuất ổn định với sản lượng đạt khoảng 200 tấn cá/năm, cao hơn 1,8 lần so với nuôi truyền thống, cho thu nhập 7 tỷ đồng/năm. Hiện tại, các sản phẩm thủy sản an toàn của hợp tác xã đang được tiêu thụ ở các cửa hàng tiện ích cũng như chợ đầu mối.
Nhằm kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm từ gốc, trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ triển khai hơn 50 mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, như: sản xuất măng tây hữu cơ tại huyện Đan Phượng với diện tích 1,8ha; mô hình rau an toàn tại huyện Gia Lâm, với diện tích 10ha; mô hình chăn nuôi gà lông màu thương phẩm theo hướng VietGAP quy mô 30.000 con tại các huyện: Phúc Thọ, Chương Mỹ và mô hình nuôi trồng thủy sản VietGAP quy mô 15ha tại các huyện: Phúc Thọ, Thường Tín, Ứng Hòa, Ba Vì, Thanh Trì…
Bên cạnh đó, Hà Nội vẫn duy trì hơn 1.300ha rau, quả, chè theo tiêu chuẩn VietGAP; 181ha nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP, 88 cơ sở chăn nuôi áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, gần 50ha trồng trọt theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và 164 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Nhìn chung, việc sản xuất theo hướng an toàn không chỉ giúp người dân tiêu thụ với giá cao hơn 10-15% so với sản phẩm theo hướng truyền thống, mà còn giúp các ngành chức năng trong vấn đề quản lý chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm. Vấn đề ở đây như Sở NN&PTNT Hà Nội và các chủ hộ sản xuất nhận định là cần tuyên truyền sâu rộng về việc này để thay đổi hành vi tiêu dùng, sản xuất của người dân.
Kết hợp nhiều giải pháp
Để tiếp tục mở rộng và nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, bảo đảm chất lượng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho biết, các sở, ngành tham mưu cho thành phố có chính sách hỗ trợ về kỹ thuật, vốn vay cho các hộ sản xuất an toàn để mở rộng quy mô sản xuất; xây dựng chuỗi liên kết; tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại để doanh nghiệp và người sản xuất ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với đó, tuyên truyền để thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân trong sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, có tem nhãn mác ở siêu thị, cửa hàng tiện ích. Đặc biệt, tại các chợ truyền thống, các ngành chức năng hỗ trợ hợp tác xã mở cửa hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch, thời gian tới, huyện tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP và theo hướng hữu cơ. Mặt khác, huyện nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng hữu cơ vào trong sản xuất, như: Ứng dụng công nghệ sinh học, nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi; mở rộng vùng sản xuất hàng hóa tập trung có hiệu quả, có thị trường tiêu thụ ổn định; từng bước tăng giá trị gia tăng trong sản phẩm nông nghiệp và kiểm soát được nguồn gốc nông sản bán trên thị trường.
Hiện tại, vấn đề bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm đang được cả xã hội đặc biệt quan tâm, bởi thực phẩm không an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người, giảm uy tín hàng hóa, chất lượng thực phẩm của Việt Nam, gây tổn thất lớn về kinh tế. Để thay đổi hành vi của người dân trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm bảo đảm an toàn, nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục quản lý chặt chẽ công tác chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn, vệ sinh thực phẩm, nông, lâm, thủy sản; đồng thời biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; công khai tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm bị xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông, lâm, thủy sản an toàn; phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn; áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, các mô hình sản xuất thực phẩm theo chuỗi, hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.
“Không những vậy, Hà Nội sẽ tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn, đặc sản vùng, miền có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phục vụ người tiêu dùng Thủ đô. Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra với việc ứng dụng các chuỗi an toàn, công nghệ truy xuất nguồn gốc, quản lý mã số vùng trồng, áp dụng mã vạch thực phẩm, dán nhãn sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, cần đổi mới, tăng cường nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong tuyên truyền, quản lý an toàn thực phẩm… để giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng cũng như luôn lựa chọn sản phẩm nông sản an toàn”, ông Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh.