Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế Gilbert F. Houngbo
Chiều 30-6, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Gilbert F. Houngbo.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao chuyến thăm làm việc tại Việt Nam của Tổng Giám đốc ILO và cho rằng đây là cơ hội tuyệt vời để ILO và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chính phủ Việt Nam trao đổi các nội dung hợp tác, giải pháp để giải quyết hài hòa bài toán lao động cũng như những sáng kiến giải quyết các vấn đề, thách thức toàn cầu hiện nay.
Tổng Giám đốc Gilbert F. Houngbo trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dành thời gian tiếp; đánh giá Việt Nam đã có quá trình phục hồi rất tốt sau đại dịch Covid-19 và đạt được những tiến bộ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nhấn mạnh ILO và Việt Nam là những đối tác hợp tác hiệu quả trong suốt thời gian qua, Tổng Giám đốc ILO nêu rõ, trong bối cảnh các nước đang phục hồi sau đại dịch và đối mặt với những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, ILO mong muốn tăng cường hợp tác sâu rộng hơn nữa với các nước thành viên để cùng nhìn nhận và vượt qua những thách thức mang tính toàn cầu hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá ILO luôn là đối tác rất quan trọng, tin cậy của Việt Nam. Văn phòng ILO tại Việt Nam qua các thời kỳ đều có những đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực lao động, việc làm. Trong đó, ILO đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong quá trình xây dựng hệ thống pháp luật về lao động, nhất là quá trình xây dựng Bộ luật Lao động đầu tiên vào năm 1994, đến các lần sửa đổi vào năm 2012 và năm 2019. Đặc biệt, tại Bộ luật Lao động năm 2019, Quốc hội Việt Nam đã quyết định nâng tuổi nghỉ hưu đáng kể so với mức thực hiện trước đó, nhưng quyết định này đạt được sự đồng thuận cao. Đây là kinh nghiệm mà Việt Nam đã đúc rút được từ sự chia sẻ của ILO và các nước trong thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu. ILO cũng đã hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng các dự thảo Nghị quyết của Trung ương liên quan đến cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội; nghiên cứu, phê chuẩn các Công ước cơ bản của ILO…
Trên cương vị người đứng đầu cơ quan lập pháp, Chủ tịch Quốc hội cho biết hết sức quan tâm đến việc tiếp tục cụ thể hóa, hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Lao động, nghiên cứu, phê chuẩn Công ước còn lại của ILO (Công ước 87). Việt Nam đã có kế hoạch, lộ trình xem xét, phê chuẩn Công ước này; đồng thời cũng đã trao đổi với các cơ quan, tổ chức quốc tế, các đối tác để tham gia các sáng kiến có tính chất toàn cầu hiện nay.
Trao đổi về các vấn đề Tổng Giám đốc ILO quan tâm, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam là một trong những quốc gia về đích đầu tiên trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 132, trên cơ sở sáng kiến của Quốc hội Việt Nam, IPU đã thông qua Tuyên bố Hà Nội về các mục tiêu phát triển bền vững. Sau đó, Quốc hội Việt Nam cũng là một trong những cơ quan lập pháp đầu tiên trong IPU cập nhật hóa các mục tiêu phát triển bền vững vào chương trình nghị sự.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, phát triển bền vững trên các trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường luôn là chủ trương nhất quán của Việt Nam. Về lao động, Việt Nam chủ trương xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Nhà nước giữ vai trò điều phối giữa người sử dụng lao động (đại diện là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam -VCCI) và người lao động (đại diện là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam). Việt Nam cũng đang đẩy mạnh cơ cấu lại mô hình tăng trưởng, thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Quốc hội đã phê duyệt 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nêu quan điểm về chuyển đổi năng lượng công bằng, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam xác định phát triển nhanh nhưng phải bền vững, bao trùm. Mục tiêu lớn nhất đã được ghi trong Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam và Hiến pháp năm 2013 là: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Việt Nam cũng đang thực hiện 2 mục tiêu 100 năm: Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đó cũng là cơ sở chính trị và cơ sở kinh tế để Việt Nam đưa ra các cam kết tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050.
Nhấn mạnh sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam đạt được các mục tiêu này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, bất cứ sáng kiến khu vực hay toàn cầu nào hướng đến mục tiêu này Việt Nam đều rất hoan nghênh và ủng hộ. Quốc hội Việt Nam đang tập trung mọi nỗ lực để xây dựng hệ thống pháp luật, thể chế kiến tạo phát triển, nhất là phải phục vụ cho hai công cuộc chuyển đổi rất quan trọng thời gian tới là chuyển đổi năng lượng công bằng và chuyển đổi số. Việt Nam cũng đang phấn đấu đưa tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GDP đạt khoảng 20% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn ILO và Văn phòng ILO tại Việt Nam hỗ trợ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong quá trình nghiên cứu, xem xét, đánh giá và có những quyết sách quan trọng đối với các sáng kiến mang tính chất toàn cầu.
Tổng Giám đốc Gilbert F. Houngbo cảm ơn những chia sẻ rất toàn diện, sâu rộng của Chủ tịch Quốc hội; đồng thời cho rằng, nếu Việt Nam cân nhắc tích cực để trở thành một trong những nước tiên phong tham gia thực hiện sáng kiến của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Chương trình thúc đẩy toàn cầu về việc làm và an sinh xã hội, hướng tới chuyển đổi công bằng và Liên minh toàn cầu về chuyển dịch công bằng, thì đây sẽ là cơ hội rất tốt để kết nối các nguồn lực hỗ trợ, thực hiện các mục tiêu cân bằng lợi ích về mặt xã hội và kinh tế.
Tại cuộc tiếp, Tổng Giám đốc ILO cho biết, đại diện các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam chia sẻ, hiện một số dự án hợp tác phát triển đang bị lãng phí nguồn lực do sự chậm trễ trong thủ tục đầu tư; mong muốn cùng Việt Nam thúc đẩy vấn đề này.
Chia sẻ về những giải pháp Chính phủ, Quốc hội Việt Nam đã và đang triển khai để khắc phục sự chậm trễ của các dự án này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn các đối tác phát triển chung tay với Việt Nam, cùng nỗ lực nhiều hơn để vừa tuân thủ các quy định của Hiệp định vay, vừa hài hòa với luật pháp của Việt Nam.