Văn hóa

Đích đến của tài liệu lưu trữ là phát huy giá trị trong đời sống

Hiền Chi 30/06/2023 16:46

Sứ mệnh cao cả và quan trọng nhất của những người làm lưu trữ là biến những giá trị chính trị, lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc thành những “viên kim cương” trong dòng chảy lịch sử, trong sự phát triển của dân tộc. Đó là nội dung được chia sẻ tại tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm công bố tài liệu lưu trữ quốc gia”, diễn ra ngày 30-6, tại Hà Nội, do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức.

Tiềm lực thông tin đồ sộ

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng khẳng định, nhiệm vụ của lưu trữ là phải đưa những giá trị của tài liệu lịch sử vào đời sống để có giá trị ở thời điểm hiện tại, đó mới là cái đích của ngành Lưu trữ. Thời điểm thuận lợi hiện nay là Chính phủ vừa giao cho Bộ Nội vụ xây dựng tờ trình, triển khai các công việc cần thiết để lấy ý kiến của Quốc hội về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), dự kiến thông qua vào năm 2024 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025.

1(1).jpg
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng phát biểu tại buổi tọa đàm.

Theo ông Đặng Thanh Tùng, những hoạt động phát huy giá trị tài liệu ở thời điểm này thực sự hợp lòng dân, hợp với mong muốn của những người làm công tác lưu trữ và của cả xã hội. Việc đưa thông tin lưu trữ ra ngoài xã hội hiện nay không chỉ là nhiệm vụ của những người làm lưu trữ mà còn là đòi hỏi xã hội của công chúng, của các cơ quan truyền thông, báo chí. 

img_0776.jpg
Bà Luyện Thị Thu Thủy, chuyên viên chính Phòng Quản lý Văn thư - Lưu trữ (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) tham luận tại tọa đàm.

Với tham luận về “Chương trình công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước”, bà Luyện Thị Thu Thủy, chuyên viên chính Phòng Quản lý Văn thư - Lưu trữ (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) cho biết, yêu cầu cấp bách đối với ngành Lưu trữ là phải chủ động, chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng công bố, giới thiệu tài liệu nhằm đáp ứng các nhu cầu của xã hội trong giai đoạn mới, góp phần phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước.

Điều này là hoàn toàn khả thi, bởi tiềm lực thông tin quá khứ khá đồ sộ và tăng lên từng ngày, cụ thể là hơn 33.000 mét giá tài liệu với khoảng gần 1.000 phông/sưu tập tài liệu; 68.000 mét giá tài liệu với 3.317 phông tài liệu; nhiều vật mang tin đa dạng, nhiều ngôn ngữ, phản ánh toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nước ta từ thế kỷ XIX đến nay. Đặc biệt, trong đó có 2 di sản tư liệu thế giới và 2 bảo vật quốc gia.

3.jpg
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 2194/QĐ-TTg ngày 24-12-2021 phê duyệt Chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước”. Chương trình được thực hiện từ năm 2022 đến năm 2030 với 6 nhiệm vụ và 5 giải pháp cụ thể. Cho đến nay, đã có 57/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Chương trình, kế hoạch thực hiện Chương trình công bố tài liệu lưu trữ tại địa phương. 

Cần đưa tài liệu lưu trữ ra đời sống

Chia sẻ kinh nghiệm công bố, phát huy giá trị tài liệu, bà Đỗ Hoàng Anh, Trưởng phòng Phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) cho biết, Trung tâm đã có 40 năm tổ chức công bố tài liệu. Các hình thức công bố phổ biến là viết bài (khoảng 100 bài viết/năm); sách (2 đến 5 đầu sách/năm); trưng bày, triển lãm (5 cuộc triển lãm/năm); phim, clip (20 phim, clip/năm). Đặc biệt gần đây, trung tâm cũng ứng dụng chuyển đổi số trong công bố giới thiệu tài liệu lưu trữ quốc gia.

4.jpg
Bà Đỗ Hoàng Anh, Trưởng phòng Phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tham luận.

Cũng từ thực tiễn triển khai, ông Mai Trường Sinh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh thông tin, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hà Tĩnh là địa phương đầu tiên trong các tỉnh, thành phố được Trung tâm Lưu trữ quốc gia I phối hợp tổ chức triển lãm trực tuyến “Hà Tĩnh theo dòng lịch sử qua tài liệu lưu trữ” và có độ lan tỏa lớn. Điều đó cho thấy, triển lãm trực tuyến là giải pháp trong thời điểm có dịch Covid-19, song cũng là xu hướng tất yếu trong công cuộc chuyển đổi số bởi ưu điểm là không bị giới hạn không gian, thời gian.

6.jpg
Tiến sĩ Đào Thị Diến phát biểu.

Trong khi đó, Tiến sĩ Đào Thị Diến trăn trở, ngành Lưu trữ nắm trong tay rất nhiều tài nguyên văn hóa, riêng tại Hà Nội đã có rất nhiều công trình văn hóa, tuy nhiên, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia không có thành viên đại diện Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước. Đó là điều đáng tiếc. 

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng đề xuất cần có bộ tài liệu hướng dẫn bài bản về cách thức sưu tầm, tổ chức triển lãm, các hình thức tổ chức để có tính lan tỏa cao, thu hút nhiều độc giả.

Đại diện lãnh đạo Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và các trung tâm lưu trữ đã chia sẻ kinh nghiệm, trong đó nhấn mạnh về sự tâm huyết, quyết tâm sẽ tìm được hướng đi phù hợp, hiệu quả.