Hướng dẫn mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tích hợp
Trẻ em bị bạo lực, xâm hại… rất cần sự hỗ trợ đa chiều. Một ngành không thể đáp ứng tất cả các nhu cầu đó, nên cách xử lý đa ngành, phối kết hợp hiệu quả là điều hết sức cần thiết. Điều này đòi hỏi phải tăng cường vai trò phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Nhằm giải quyết vấn đề này, sáng 30-6, tại Hà Nội, Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng hướng dẫn mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tích hợp. Đây là việc làm cần thiết nhằm bảo đảm trẻ em có thể tiếp cận tất cả các dịch vụ cần thiết nhanh chóng, thuận tiện.
Việc xây dựng hướng dẫn mô hình này cũng góp phần giảm số lần các nạn nhân là trẻ em bị phỏng vấn lấy lời khai, từ đó giảm nguy cơ tái sang chấn, hỗ trợ quá trình phục hồi của trẻ. Đặc biệt là giảm sự chồng chéo và trùng lắp trong can thiệp giải quyết vụ việc, từ đó giảm chi phí và tăng hiệu quả của các dịch vụ ứng phó.
Trong khuôn khổ chương trình, Trưởng Chương trình bảo vệ trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Lê Hồng Loan đã chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế về cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tích hợp và đề xuất mô hình ở Việt Nam. Trong đó, nhấn mạnh sự vào cuộc đồng bộ của dịch vụ công tác xã hội khẩn cấp, dịch vụ công tác xã hội thông thường, dịch vụ cung cấp tại cơ sở y tế, kết hợp yêu cầu điều tra thân thiện với trẻ em và trợ giúp pháp lý.
Một số khuyến nghị được đưa ra, bao gồm việc có quy trình liên ngành tiếp nhận, can thiệp, hỗ trợ, phân công trách nhiệm rõ ràng; có hệ thống chuyển tuyến và can thiệp đa ngành, đồng bộ ở các cấp tỉnh, thành, quận huyện, xã, phường. Đặc biệt là phải tăng cường kết nối với Tổng đài quốc gia và các cơ quan trung ương khi cần thiết, kết hợp dịch vụ cung cấp của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong đó, dịch vụ cung cấp bởi các cơ quan, tổ chức liên quan cần phải theo các quy chế, thỏa thuận hợp tác, quy trình chuyển gửi có quy định trách nhiệm và khung thời gian rõ ràng.
Nhiều ý kiến của các đại biểu tại hội thảo đã nêu lên những yêu cầu thực tiễn, bao gồm việc hình thành nhóm công tác liên ngành trong xử lý các ca nghiêm trọng.
Các ý kiến tại hội thảo đều khẳng định quan điểm, trong trường hợp xảy ra bạo lực, xâm hại hoặc các vấn đề khác liên quan đến bảo vệ trẻ em, cần hành động tức thời nhằm xác định, giúp đỡ và bảo vệ, không để trẻ em bị tổn hại thêm. Trong đó, lưu ý công tác giám định pháp y cần được thực hiện càng sớm càng tốt sau khi vụ việc xảy ra nhằm thu thập bằng chứng khởi tố hình sự nếu cần. Cùng với đó, phải đánh giá nguy cơ và lập kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với nạn nhân là trẻ em.
Ngoài ra, nhằm tăng hiệu quả của mô hình, cần tạo môi trường thân thiện với trẻ em và dễ tiếp cận, có đội ngũ nhân sự đa ngành, giám định và điều trị y tế được tiến hành tại chỗ nếu có điều kiện hoặc tại bệnh viện gần nhất.
Thông qua hội thảo này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà yêu cầu Cục Trẻ em tiếp thu các ý kiến phát biểu, phối hợp chặt chẽ với UNICEF để xây dựng dự thảo hướng dẫn mô hình, tập trung vào các vấn đề lớn, bao gồm: Xác đinh nhóm đối tượng thụ hưởng của mô hình; Hướng dẫn cụ thể cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của mô hình. Đồng thời, cụ thể hóa các loại hình dịch vụ cung cấp tại cơ sở, trung tâm; hướng dẫn cơ chế hợp tác với các cơ quan tổ chức liên quan.