Quý ll: Lực lượng lao động tăng 0,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước
Tổng cục Thống kê vừa cho biết, lực lượng lao động đang làm việc quý II năm 2023 trong cả nước tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, nhưng thị trường lao động việc làm vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, chủ yếu do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng so với quý trước nhưng giảm so với cùng kỳ năm trước; tình trạng lao động buộc phải nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp vẫn tiếp diễn ở quý II năm 2023, có xu hướng chuyển dịch sang khu vực phi chính thức cho thấy thị trường lao động việc làm có phục hồi nhưng chưa thực sự bền vững.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II năm là 52,3 triệu người, tăng hơn 100 nghìn người so với quý trước và 0,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước...
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý II năm 2023 là 68,9%, không thay đổi so với quý trước và tăng 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nữ giới là 63,1%, nam giới là 75,0%; khu vực thành thị là 65,5%, khu vực nông thôn là 71,0%.
Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc quý II năm 2023 đạt gần 51,2 triệu người, tăng 83,3 nghìn người so với quý trước và tăng 691,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước...
Thực trạng các đơn hàng giảm đã tác động đến lao động trong khu vực công nghiệp đặc biệt là ngành dệt may, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học. Số lao động ở các ngành này trong quý II năm 2023 đều giảm so với quý trước.
Đáng lưu ý, số người lao động đang làm việc có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn. Số người có việc làm phi chính thức chung trong quý II năm 2023 là 33,3 triệu người, tăng 301,9 nghìn người so với quý trước.
Tỷ lệ thiếu việc làm quý II năm 2023 tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước, lao động ở vùng Đông Nam Bộ chịu tác động nhiều nhất...
Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý II/2023 là 7 triệu đồng, giảm 79 nghìn đồng so với quý I/2023 và tăng 355 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2022. Thu nhập bình quân theo tháng của lao động nam cao gấp 1,37 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (8 triệu đồng so với 5,8 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,4 lần khu vực nông thôn (8,5 triệu đồng so với 6,1 triệu đồng).
Lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có thu nhập bình quân là 7,7 triệu đồng, tăng 4,3%, tương ứng tăng 316 nghìn đồng (cùng kỳ năm 2022 tăng 12,4%, tương ứng tăng 818 nghìn đồng so với quý II/2021). Thu nhập bình quân của lao động ngành dịch vụ, lưu trú và ăn uống là 6,6 triệu đồng, tăng 6,4%, tương ứng tăng 395 nghìn đồng (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,8%, tương ứng tăng 572 nghìn đồng)...
Song, so với quý trước, thất nghiệp quý II tăng cả về số lượng và tỷ lệ. Thị trường lao động Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2023 khoảng 1,07 triệu người, tăng 25,4 nghìn người so với quý trước và tăng 1,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2023 là 2,30%, tăng 0,05 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,02 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương bị cắt giảm đơn hàng đã diễn ra từ quý IV năm 2022 và tiếp tục tiếp diễn sang quý II năm 2023, dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng tới đời sống...