Phát huy giá trị truyền thống để Thanh Trì phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong lưu ý huyện Thanh Trì cần dự báo việc gia tăng quy mô dân số khi lên quận. Bởi việc lên quận sẽ tác động đến việc phân bổ dân cư, văn hóa, lối sống, nhất là các làng xã cổ truyền.
Sáng 30-6, Đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, do đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo chương trình làm trưởng đoàn, đã kiểm tra việc triển khai thực hiện Chương trình 06-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy khoá XVII về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” từ đầu nhiệm kỳ đến nay trên địa bàn huyện Thanh Trì.
Cùng tham gia đoàn có Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà, các thành viên Đoàn kiểm tra và đại diện các sở, ngành.
7 chỉ tiêu vượt, 7 chỉ tiêu đạt kế hoạch
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết: Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, Huyện ủy đã chỉ đạo cụ thể hóa các nhóm chỉ tiêu Chương trình 06-CTr/TU thành 19 chỉ tiêu gắn với Chương trình 07-CTr/HU của Huyện uỷ, tính đến thời điểm báo cáo, đã có 7 chỉ tiêu vượt, 7 chỉ tiêu đạt kế hoạch nhiệm kỳ, tiếp tục thực hiện bảo đảm tiến độ với 5 chỉ tiêu còn lại, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt .
Cụ thể, hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở từng bước được hoàn thiện, hiệu quả; 15/15 xã đều đảm bảo tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới nâng cao; 3/16 xã, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao được xây dựng độc lập đạt chuẩn. Giai đoạn 2020-2025, huyện đã và đang triển khai 13 dự án đầu tư xây dựng mới trung tâm văn hóa thể thao xã với kinh phí dự kiến là 679 tỷ đồng. Đến nay, huyện có 109 nhà văn hoá, nhà sinh hoạt cộng đồng tại 100 thôn, tổ dân phố.
Trên địa bàn huyện hiện có 154 di tích lịch sử văn hóa và 45 lễ hội truyền thống gồm: 88 di tích đã được công nhận xếp hạng (trong đó 65 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 23 di tích xếp hạng cấp thành phố); 8 địa điểm gắn biển lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến; hệ thống sắc phong tại đình Yên Phú, xã Liên Ninh, đình Triều Khúc, đình Yên Xá, xã Tân Triều được công nhận là tài liệu lưu trữ quý, hiếm.
Cùng với đó, hệ thống các di sản văn hóa phi vật thể được bảo lưu với nhiều loại hình phong phú, đa dạng, đặc biệt là các lễ hội truyền thống được tồn tại và lưu truyền qua nhiều đời tại các địa phương, tiêu biểu là Lễ hội Triều Khúc, xã Tân Triều (trong đó có các hoạt động trình diễn nghệ thuật dân gian như: Múa trống bồng, múa lân, múa Chạy cờ, múa Sênh tiền,...) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Tính đến tháng 6-2023, toàn huyện có 63/73 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt 86,3%; (vượt chỉ tiêu 4,3%), trong đó, có 17 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II, là huyện có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao, dẫn đầu khối huyện.
Quan tâm xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở tại các trường học, khu dân cư
Tại buổi làm việc, liên quan đến các đề nghị của huyện Thanh Trì, các sở, ngành thành phố đã giải đáp các kiến nghị của huyện về việc cân đối ngân sách đầu tư xây dựng, tu bổ các thiết chế văn hóa (nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, di tích lịch sử, trường học); điều kiện đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của nhân dân; điều chỉnh quy hoạch phân khu đô thị S5 với khu đất xây dựng trường học; tiêu chuẩn cụ thể về quy mô trường, lớp, cơ sở vật chất tiên tiến, hiện đại để có cơ sở lập và trình phê duyệt dự án xây dựng trường phổ thông liên cấp giai đoạn 2024-2026 trên địa bàn huyện…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà đánh giá, các đề án của huyện đã và đang triển khai khá trúng và đúng với định hướng của thành phố. Qua đó, việc triển khai Chương trình 06-CTr/TU trên địa bàn Thanh Trì đã thu được kết quả khá rõ nét.
Nhờ vậy, sau nửa nhiệm kỳ, các chỉ tiêu của chương trình cơ bản đạt và vượt. Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, huyện cũng có nhiều sáng tạo phù hợp với thực hiện các mục tiêu của chương trình, như: Xây dựng phòng học thông minh, xây dựng trường học hiện đại, phổ cập giáo dục bơi cho học sinh…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà cũng lưu ý huyện một số vấn đề liên quan quan đến xây dựng các trung tâm văn hóa, nhà văn hoá, nhà sinh hoạt cộng đồng, tu bổ, tôn tạo di tích… Huyện cũng cần tính toán, bố trí kinh phí hợp lý để nâng tầm và có được những sản phẩm văn hoá đặc sắc của từng địa phương để gắn với phát triển du lịch. Đối với 98 dự án xây dựng trường THPT, cần nghiên cứu theo hướng trường tự chủ về tài chính để triển khai theo đúng lộ trình của thành phố.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chia sẻ: Chương trình 06-CTr/TU đã được thành phố quan tâm, triển khai bài bản, nghiêm túc, có nhiều giải pháp cụ thể, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức từ thành phố đến cơ sở. Đặc biệt, ở nhiều địa phương, đời sống văn hóa lan tỏa đến từng ngõ, xóm.
Kết quả thực hiện chương trình góp phần tích cực nâng cao chất lượng đời sống, giáo dục của Thủ đô; góp phần để Hà Nội là địa phương đi đầu về phát triển văn hoá. Trong nửa nhiệm kỳ qua, đặc biệt từ 2022 khi Thành ủy ban hành Nghị quyết 09, một số địa phương đã tiếp cận nhanh, cách làm quyết liệt, đem lại chuyển biến rõ rệt.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng đã phân tích, chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn của huyện. Theo đó, so với các huyện ven đô, đặc biệt là các huyện chuẩn bị lên quận, Thanh Trì là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, hiếu học. Tuy nhiên, Thanh Trì có hạn chế về hạ tầng giao thông; tốc độ đô thi hóa không theo quy hoạch làm gia tăng dân số cục bố ở một số địa bàn, gây ra gánh nặng cho hạ tầng kỹ thuật của huyện; hạ tầng văn hóa, giáo dục còn hạn chế nên đời sống văn hóa, tinh thần còn khó khăn, chênh lệch.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong lưu ý huyện Thanh Trì cần dự báo việc gia tăng quy mô dân số khi lên quận. Bởi, việc lên quận sẽ tác động đến việc phân bổ dân cư, văn hóa, lối sống, nhất là các làng xã cổ truyền.
Đồng thời, huyện Thanh Trì cần có đề án cụ thể về khai thác, phát huy giá trị truyền thống phục vụ phát triển du lịch và công nghiệp văn hoá; tháo gỡ 2 dự án về khu tưởng niệm Chu Văn An và cải tạo, chỉnh trang khu di tích lịch sử Ngọc Hồi; xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư và nông thôn mới thực chất hơn, đặc biệt về vấn đề môi trường; tiếp tục quan tâm đến thiết chế văn hoá cơ sở tại các trường học, khu dân cư...
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị huyện Thanh Trì có những giải pháp mang tính quyết liệt hơn nữa để các nội dung của Chương trình 06-CTr/TU được thực hiện thực chất, có sự lan tỏa đến nhân dân.
Trước đó, trong khuôn khổ của chương trình, Đoàn công tác của thành phố đã thăm, khảo sát chùa Hưng Long (Di tích cách mạng kháng chiến, nơi thành lập chi bộ đầu tiên ngoại thành Hà Nội); Thăm, khảo sát nhà truyền thống xã Yên Mỹ; điểm du lịch trải nghiệm Vạn An.