Chính trị

Cử tri Hà Nội mong muốn được  thông tin sớm về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Vũ Thủy 30/06/2023 11:23

Liên quan đến dự án “treo” trên địa bàn thành phố Hà Nội, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng đây là vấn đề lớn, phức tạp. Thành phố có 712 dự án chậm triển khai và có nghị quyết về giải quyết vấn đề này. Nhiều dự án chậm diễn ra thời gian dài, thành phố đã phân loại các dự án để xử lý.

Sáng 30-6, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cùng các đại biểu Quốc hội, Đơn vị bầu cử số 3 đã tiếp xúc cử tri các quận: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, sau kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu chính tại UBND quận Cầu Giấy đến các địa phương.

h1(1).jpg
Quang cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri tại điểm cầu UBND quận Cầu Giấy sáng 30-6.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri 3 quận: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân được nghe báo cáo nhanh về kết quả kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV và báo cáo tổng hợp trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ năm.

Cụ thể, sau 23 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Với không khí làm việc rất sôi nổi, dân chủ và đoàn kết, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua 8 luật, 17 nghị quyết, với tỷ lệ tán thành rất cao; đồng thời, đã cho ý kiến lần đầu 8 dự án luật, thảo luận và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác. Đáng chú ý, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với hơn 12 triệu lượt ý kiến, cho ý kiến lần thứ hai, hoàn thiện một bước cơ bản đối với dự án luật này.

cutri.jpg
Cử tri quận Cầu Giấy kiến nghị các vấn đề quan tâm

Đặc biệt, Quốc hội đã dành 2,5 ngày chất vấn các thành viên Chính phủ về 4 nhóm lĩnh vực: Lao động - Thương binh và Xã hội, Dân tộc, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp, xác định cụ thể các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, thời hạn hoàn thành, làm cơ sở để giám sát việc thực hiện, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện nghiêm túc các cam kết trước Quốc hội và cử tri cả nước, vừa kịp thời khắc phục hiệu quả các yếu kém, hạn chế trước mắt, vừa phải tạo được chuyển biến thực chất, căn cơ và lâu dài trong từng lĩnh vực được chất vấn.

Cử tri 3 quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân đánh giá cao kết quả kỳ họp, có nhiều đổi mới, trong đó việc chia kỳ họp làm 2 đợt để các cơ quan của Chính phủ có thêm thời gian tiếp thu, chỉnh lý các vấn đề đại biểu thảo luận. Đáng lưu ý, phiên thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cử tri đồng tình với các ý kiến về việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Cử tri Trương Văn An (quận Cầu Giấy) cho rằng, vừa qua việc quy định lấy ý kiến, công khai quy hoạch chưa rõ ràng, chưa minh bạch, chưa phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong giám sát và phát huy dân chủ ở cơ sở. Vì thế, thời gian tới cần phát huy vai trò của cơ quan báo chí trong thông tin tuyên truyền trong quán triệt xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đến được người dân.

Cử tri quận Cầu Giấy cũng đề nghị Quốc hội  làm rõ vấn đề liên quan đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Vì giải thích của Bộ Công Thương và Tập đoàn điện lực Việt Nam chưa thỏa đáng. 

Cử tri quận Thanh Xuân quan tâm đến Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét và kỳ họp thứ sáu vào cuối năm 2023 và thông qua vào kỳ họp thứ bảy vào giữa năm 2024. Luật sửa đổi với 9 nhóm chính sách dựa trên cơ sở tổng kết thực hiện Luật Thủ đô 2012 và nhu cầu bức thiết từ thực tiễn đời sống Thủ đô như: Việc xây dựng các khu nhà ở xã hội quy mô lớn đồng bộ về hạ tầng; khuyến khích sử dụng đất hiệu quả, thu hồi các dự án có sử dụng đất kéo dài gây lãng phí; bảo vệ và phát huy kho tàng di sản, di tích văn hóa, lịch sử; phát triển các đô thị vệ tinh, kéo giãn mật độ dân cư đô thị lõi; tỷ lệ điều tiết ngân sách, nguồn lực đầu tư...

Chính vì tầm quan trọng như vậy của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), cử tri quận Thanh Xuân đề nghị đại biểu Quốc hội dành nhiều thời gian nghiên cứu, xem xét, cho ý kiến để dự thảo Luật được thông qua đúng thời gian và đảm bảo nội dung thực sự khả thi, góp phần vào sự phát triển của Thủ đô trong thời gian tới.

Cử tri quận Nam Từ Liêm phản ánh về việc giao 9.442 m2 đất tại xã Mỹ Đình cho công ty 789 để xây dựng khu nhà ở. Dự án trên đã đưa vào sử dụng năm 2008, từ khi dự án đưa vào sử dụng cho đến nay chủ đầu tư đã chia nhỏ 568 m2 tại tầng 1 toà nhà A để cho các hộ kinh doanh thuê. Cử tri đề nghị làm rõ và thông tin đến nhân dân.

Ngoài ra, cử tri các quận cũng đề cập lĩnh vực giáo dục và đào tạo còn bất cập; chưa tận dụng cơ chế đặc thù cho phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô; việc thực hiện thí điểm chính quyền đô thị; việc bố trí cán bộ không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, xã, phường chưa phù hợp; cần xem xét sửa đổi bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội một cách toàn diện cho phù hợp với bối cảnh hiện nay.

h3(1).jpg
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tiếp thu các kiến nghị của cử tri

Tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, các ý kiến chất lượng, thể hiện việc cử tri các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân theo dõi sát các kỳ họp của Quốc hội. Các vấn đề cử tri nêu sẽ được tổng hợp chuyển các cơ quan có liên quan trả lời. Đặc biệt, liên quan đến công tác quản lý nhà chung cư, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu các sở chuyên ngành và quận Nam Từ Liêm chủ động tiếp thu, giải quyết theo thẩm quyền.

Thông tin thêm về kỳ họp của Quốc hội, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhận định hoạt động của Quốc hội ngày càng đổi mới, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã tích cực thảo luận, trao đổi tại hội trường, tại tổ, nhất là lĩnh vực về quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ các công trình quốc phòng, quân sự…

Về các kiến nghị liên quan đến dự án “treo” trên địa bàn thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng đây là vấn đề lớn, phức tạp. Thành phố có 712 dự án chậm triển khai và có nghị quyết về giải quyết vấn đề này. Nhiều dự án chậm diễn ra thời gian dài, thành phố đã phân loại các dự án để xử lý; mong các cử tri tiếp tục dõi theo, giám sát.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, kỳ họp thứ 12 của HĐND thành phố sẽ diễn ra đầu tháng 7-2023 tới, quyết định các vấn đề quan trọng của thành phố, vấn đề dân sinh. Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn mong muốn cử tri theo dõi, giám sát cùng với đại biểu HĐND thành phố đối với UBND thành phố và các cơ quan chức năng trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng.