Hóa giải thách thức tăng trưởng kinh tế
Nền kinh tế đã đi qua nửa chặng đường kế hoạch năm 2023, thu được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy vậy, “bức tranh” kinh tế đang thiếu hẳn gam màu sáng, rất đáng quan ngại, trong khi các yếu tố thuận lợi vẫn chưa xuất hiện rõ nét. Áp lực đang hiện diện và dồn vào nửa cuối năm 2023, đòi hỏi nhận diện đúng thực tế, cũng như có giải pháp hữu hiệu hóa giải nhằm tăng tốc độ tăng trưởng ở mức tối đa có thể…
“Bức tranh” thiếu gam màu sáng
Tổng cục Thống kê cho biết, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II-2023 tăng 4,14% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung, GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, so với mục tiêu GDP tăng trưởng 6,5% cho cả năm 2023 thì kết quả trên là rất hạn chế, cho thấy bức tranh thiếu gam màu sáng và chắc chắn sẽ dồn gánh nặng vào 6 tháng cuối năm 2023.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, các ngành công nghiệp gặp nhiều khó khăn, do kinh tế thế giới suy thoái dẫn đến sự suy giảm mức cầu. Giá trị tăng thêm của lĩnh vực công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 0,44% so với cùng kỳ năm 2022, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2022, do ảnh hưởng của lạm phát cao ở các thị trường lớn nhập khẩu hàng Việt.
6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 75,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nhưng có tới 60,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 31 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 28,9%) và 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 2,8%), cho thấy “sức khỏe” của doanh nghiệp và nền kinh tế đang giảm sút đáng kể.
Tuy vậy, nền kinh tế cũng đã đạt kết quả đáng ghi nhận. Dù mức tăng trưởng không cao nhưng các cân đối lớn được bảo đảm, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp trong bối cảnh đối diện với nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước. Cán cân thương mại hàng hóa duy trì thặng dư, an sinh xã hội được quan tâm…
Chính phủ đã nhận diện tình hình, huy động các nguồn lực và tìm giải pháp phù hợp, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên diện rộng. Đáng ghi nhận là, các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh đã góp phần duy trì tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 6 tháng qua tăng 6,33% so với cùng kỳ năm 2022 và cao hơn mức tăng 1,18% và 4,53% của cùng kỳ năm 2020 và năm 2021.
Trong khu vực dịch vụ, một số ngành có tỷ trọng đóng góp lớn vào tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế là: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,49%; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,18%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,13%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 15,14%... Các chuyên gia cho rằng, khu vực dịch vụ là điểm sáng và sẽ được phát huy mạnh mẽ trong những tháng tới; nhất là khi đã xuất hiện chỉ dấu cho thấy kinh tế trong nước cũng như ở một số đối tác lớn đang phục hồi. Tiêu dùng trong nước và du lịch được kỳ vọng kích đẩy GDP tăng lên.
Nhận diện tình hình để có giải pháp phù hợp
Thực tế khó khăn trong 6 tháng đầu năm đồng nghĩa với gánh nặng và áp lực sẽ dồn lên 6 tháng cuối năm 2023. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, khi sản xuất công nghiệp và xuất khẩu giảm thì càng cần chú trọng, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, bởi đó là động lực của tăng trưởng.
Chia sẻ quan điểm trên, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) Phí Thị Hương Nga nhấn mạnh, đây là “vốn mồi” quan trọng để thúc đẩy phát triển hạ tầng, tạo thuận lợi cho kinh doanh cùng các hoạt động kinh tế trên diện rộng. Chính phủ cùng các cấp, ngành đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, các cấp, ngành cũng đang nắm bắt và khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo từng lĩnh vực. Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp cần phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện duy trì và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng cho biết, gần đây, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và hướng tới những dự án quy mô lớn tại Việt Nam. Cơ quan chức năng đánh giá, thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ cải thiện mạnh trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm cũng như góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Còn Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho hay, chính sách giảm thuế, phí, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất..., dự kiến lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, là nguồn lực khuyến khích tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất. Việc hàng hóa được giảm giá sẽ thúc đẩy tiêu dùng của thị trường trong nước, tạo cú hích cho doanh nghiệp lấy lại đà sản xuất trong những tháng cuối năm 2023. Đây cũng là giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.
Trên thực tế, ở thời điểm hiện tại rất khó đưa ra dự báo về kết quả cuối cùng đối với mức tăng trưởng kinh tế năm 2023, nhưng mục tiêu cuối cùng luôn là hướng tới mức tăng cao nhất.