Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023: Hoàn thành tốt khâu coi thi, chưa ghi nhận hiện tượng gian lận có tổ chức
Chiều 29-6, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo thi cấp quốc gia chủ trì cuộc họp báo về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Theo Thứ trưởng, đến thời điểm này, công tác coi thi đã cơ bản hoàn thành tốt, nghiêm túc, đúng quy chế. Trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.
Cả nước có 41 thí sinh bị đình chỉ
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra trong hai ngày 28 và 29-6. Cả nước có 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi tại 2.272 điểm thi với 43.032 phòng thi.
Tỷ lệ thí sinh đến dự thi đạt 98,86% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó môn ngữ văn đạt 99,65 %; toán 99,63%; khoa học tự nhiên 99,72%; khoa học xã hội 99,62%; ngoại ngữ 99.61%.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, theo báo cáo của các địa phương, công tác coi thi tại tất cả các điểm thi diễn ra đúng kế hoạch. Cả nước có 41 thí sinh vi phạm quy chế thi và bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu và mang điện thoại vào phòng thi; không có cán bộ nào vi phạm quy chế thi; có 6 cán bộ coi thi dừng thực hiện nhiệm vụ. Đến thời điểm này, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.
Tuy nhiên, trong quá trình coi thi, còn một số thí sinh cố tình vi phạm quy chế sử dụng điện thoại trong phòng thi và một số giáo viên chưa thực hiện đúng, đủ quy trình quy định khi coi thi. Trong đó có việc 2 thí sinh tại Cao Bằng và Yên Bái sử dụng điện thoại chụp ảnh đề thi gửi cho người thân nhờ giải. Hai sự việc trên không ảnh hưởng đến kết quả tổ chức kỳ thi.
Tiếp tục xác minh việc thí sinh phát tán đề thi ra ngoài
Thông tin thu hút sự quan tâm của các cơ quan báo chí tại cuộc họp báo là kết quả xác minh và hình thức xử lý đối với sự việc 2 thí sinh chụp ảnh đề thi chuyển ra bên ngoài.
Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an cho biết, đơn vị đã xác minh và xác định được người kết nối. Hiện giờ, đơn vị đang tiếp tục điều tra, xác định xem có lời giải chuyển vào bên trong phòng thi hay không. Hiện nay chưa phát hiện thấy có việc này.
Về giải pháp ngăn chặn việc sử dụng thiết bị công nghệ cao nhằm gian lận trong thi cử, Thiếu tướng Trần Đình Chung thông tin: Trước kỳ thi, Bộ Công an đã triệt phá nhóm đối tượng mua bán sử dụng thiết bị công nghệ cao. Nguy cơ sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại để gian lận đã được dự đoán, cảnh báo từ sớm. Để ngăn chặn nguy cơ này, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến thí sinh và nhân dân. Đơn vị cũng sẽ nghiên cứu và có phương án phòng, chống gian lận hiệu quả hơn, trong đó có việc nghiên cứu thiết bị nhận diện thiết bị sử dụng công nghệ cao được giấu ở trong người; chú trọng việc tập huấn nâng cao khả năng phát hiện sử dụng thiết bị công nghệ cho cán bộ coi thi…
Về hình thức xử lý với 2 thí sinh chụp ảnh đề thi chuyển ra ngoài, Thiếu tướng Trần Đình Chung cho biết, sẽ xem xét các tình tiết để xử lý theo quy định. Trong trường hợp phải xử lý hình sự sẽ căn cứ vào quy định pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, trước khi xử lý cần tính đến yếu tố nhân văn. “Chúng tôi tiếp tục thẩm tra xác minh việc thí sinh chụp ảnh đề thi chuyển ra bên ngoài. Khi có kết quả sẽ được thông tin tới báo chí”, Thiếu tướng Trần Đình Chung cho hay.
Áp dụng quy trình kiểm soát đề thi bằng phần mềm để loại trừ sự trùng lặp
Ông Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng Ban đề thi thông tin, đặc biệt, năm nay, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện quy trình có kiểm soát bằng phần mềm để loại trừ sự trùng lặp. Việc này được áp dụng với tất cả các môn thi và đã hạn chế được rất nhiều dữ liệu trùng lặp trong đề thi.
Với thông tin phản ánh đề thi ngữ văn của kỳ thi có câu trùng với câu trong đề thi ngữ văn ở kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024 của thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Nọc Hà cho biết, kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội diễn ra sau khi hội đồng đề làm việc nên hội đồng không có thông tin. Khi được biết, hội đồng đã họp và thấy rằng đề thi ngữ văn vào lớp 10 của Hà Nội và đề ngữ văn thi tốt nghiệp có ngữ liệu khác nhau, lệnh hỏi cũng khác nhau.
Với ý kiến đề ngữ văn có trùng lặp với đề thi ở tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Ngọc Hà thông tin, đề thi này không có trên mạng, nên không có dữ liệu để phần mềm quét. Tuy nhiên, việc đề thi sử dụng cùng một ngữ liệu là hoàn toàn bình thường, điểm khác là mỗi đề thi có lệnh hỏi khác nhau.
Trước ý kiến cho rằng cách ra đề thi ngữ văn năm nay vẫn theo lối cũ, ít tính mở, ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết: Đề thi ngữ văn có 2 phần đọc hiểu và làm văn. Ở phần đọc hiểu, về cơ bản ngữ liệu được sử dụng không nhất thiết phải nằm trong chương trình, đây là điểm mới, có tính mở cao trong đề thi năm nay. Với phần này, tổ ra đề luôn hướng đến các vấn đề xã hội, thời sự, có tính giáo dục. Với phần làm văn, học sinh năm nay vẫn đang học theo chương trình giáo dục phổ thông 2006 và đề thi phải ra trong tác phẩm nằm trong chương trình theo như quy định. Đây cũng là lý do các đề thi có thể có sự trùng lặp. Tuy đề ra cùng 1 tác phẩm, nhưng điều quan trọng nhất là lệnh hỏi hoàn toàn khác nhau.
Trước một số câu hỏi về việc đề thi năm nay có tính phân loại như thế nào để bảo đảm mục tiêu vừa xét công nhận tốt nghiệp, vừa là căn cứ để các trường đại học sử dụng để tuyển sinh, ông Nguyễn Ngọc Hà một lần nữa khẳng định, mục tiêu của đề thi là phải bảo đảm công bằng cho thí sinh và có độ phân hóa. Để bảo đảm mục tiêu này, dù đội ngũ thầy, cô giáo làm nhiệm vụ ra đề thi đều là những người có kinh nghiệm, chuyên gia hàng đầu, nhưng khi vào “trại đề” vẫn được tập huấn lại rất kỹ, đặc biệt là yêu cầu phải bảo đảm 4 mức độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Về cơ bản, đề thi năm nay có cấu trúc tương tự như năm trước với khoảng 50% câu hỏi ở mức độ nhận biết, khoảng 25% câu hỏi ở mức độ thông hiểu, khoảng 25% câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao.
Về câu hỏi liên quan đến quy trình ra đề, ông Nguyễn Ngọc Hà khẳng định, đây là việc phải bảo mật. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ quy trình cũ, để bảo đảm tính khách quan, trong quy trình ra đề thi năm nay, người soạn câu hỏi và người lựa chọn câu hỏi để đưa vào ngân hàng đề là khác nhau.
Các địa phương thực hiện nhiều khâu của kỳ thi
Với ý kiến cho rằng, đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo nên giao hoàn toàn cho các địa phương việc tổ chức kỳ thi, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Việc phân cấp kỳ thi về cho các địa phương, Bộ đã cân nhắc rất nhiều. Trong các công đoạn của kỳ thi, khâu ra đề thi là khó khăn, vất vả nhất. Đề thi phải bảo đảm tính công bằng, đánh giá chất lượng thí sinh các vùng miền trên cả nước. Nếu giao về cho các địa phương, công tác tổ chức sẽ khó khăn hơn nhiều và khó bảo đảm sự công bằng cho học sinh trên phạm vi cả nước, bởi có thể sẽ có tỉnh ra đề dễ và có nơi ra đề khó. Ngoài ra, còn cần tính toán tới vấn đề về kinh tế, xã hội. Thực tế hiện nay, việc tổ chức kỳ thi đã có sự phân cấp về địa phương rất cao, các địa phương thực hiện rất nhiều khâu, từ in sao, tổ chức thi, chấm thi, xét công nhận tốt nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm ra đề thi và chỉ đạo, kiểm tra, giám sát.