Xây dựng công trình thuộc hành lang thoát lũ sông Đáy ở quận Hà Đông: Người dân cần câu trả lời thỏa đáng
Các hộ dân nằm trong hành lang thoát lũ sông Đáy thuộc địa bàn các phường: Yên Nghĩa, Biên Giang, Đồng Mai (quận Hà Đông, Hà Nội) nhiều năm qua rất bức xúc trước việc nhà cửa xuống cấp nhưng không được xây dựng mới, dù vẫn đang sống trên đất ở hợp pháp.
Nỗi khổ của người dân
Tại các hội nghị, cuộc tiếp xúc cử tri, năm nào người dân cũng đề nghị các cấp tháo gỡ vướng mắc, song câu trả lời vẫn rất chung chung, khiến khó khăn của người dân ngày càng chất chồng thêm.
Ngôi nhà của gia đình ông Phạm Văn Bội, số nhà 26, đường Đoàn Kết, tổ dân phố Đoàn Kết, phường Biên Giang (quận Hà Đông) chật chội, ẩm thấp với lỉnh kỉnh đồ đạc, chỉ còn lối đi vừa một người lách qua. Tường ngôi nhà phía sau đã nứt, công trình phụ xuống cấp nghiêm trọng.
Gia đình ông Bội có 7 khẩu, vì không có chỗ ở, vợ chồng người con trai và các cháu nội của ông phải đi thuê nhà. Nhà chỉ có một phòng ngủ rộng 10m2, kê đủ 2 chiếc giường... Đầu năm 2023, gia đình ông Bội có đơn xin phép sửa chữa nhà, nhưng đến nay vẫn chưa được cơ quan nào trả lời, chỉ biết rằng, đơn đã được gửi UBND quận Hà Đông "chờ cho ý kiến".
Cùng tổ dân phố Đoàn Kết, gia đình ông Ngô Minh Cường ở số nhà 2, ngõ 3, đường Đoàn Kết, có ba thế hệ chung sống trong căn nhà rộng 60m2, xây từ năm 1989. Sau rất nhiều lần cơi nới, chắp vá, ngôi nhà vẫn không đủ chỗ ở cho các thành viên. Nay gia đình ông Cường chuẩn bị cưới vợ cho con nhưng chưa biết phải xoay xở cách nào bởi muốn thêm tầng cũng không được.
Đó chỉ là số ít trong hàng trăm hộ dân có đất thổ cư nằm trong hành lang thoát lũ sông Đáy ở các phường: Yên Nghĩa, Biên Giang, Đồng Mai. Năm 2014, sau khi có Quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 7-10-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy, hàng trăm hộ dân nơi đây gặp khó khăn về vấn đề nhà ở, vì không được xây dựng mới; việc sửa chữa cũng vướng nhiều rào cản.
Được biết, địa bàn phường Biên Giang tiếp giáp sông Đáy có chiều dài khoảng 3,68km. Căn cứ mốc chỉ giới hành lang bảo vệ sông Đáy đã xác định trên thực địa, toàn bộ tổ dân phố Đoàn Kết, Khu đấu giá quyền sử dụng đất Giang Chính, thuộc tổ dân phố Giang Chính và nhiều hộ dân ở các tổ dân phố: Phú Mỹ, Hòa Bình, Phượng Bãi đều nằm trong hành lang bảo vệ sông Đáy, với 350 hộ, tương đương 1.200 nhân khẩu, trên tổng diện tích khoảng 49,7ha. Đất ở của những hộ gia đình trên đa phần đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng nhà ở từ lâu và sử dụng trước thời điểm Quyết định số 1821/QĐ-TTg được ban hành.
Trải qua quá trình sử dụng, hiện nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm an toàn. Song, do nằm trong hành lang thoát lũ, nên các hộ không được UBND quận Hà Đông cấp phép xây dựng mới, việc xin sửa chữa cũng rất khó khăn và mất nhiều thời gian.
Không thể để người dân chịu thêm thiệt thòi
Không riêng phường Biên Giang, mà phường Yên Nghĩa và Đồng Mai cũng trong tình cảnh tương tự. Tại phường Yên Nghĩa, diện tích đất nằm trong hành lang thoát lũ khoảng 81ha, trong đó 5,9ha là đất ở của các hộ dân với tổng số công trình là 250...
Là người chứng kiến hàng trăm hộ dân chật vật về nơi ăn, chốn ở, Tổ trưởng tổ dân phố Đoàn Kết (phường Biên Giang) Lê Đình Vượng bất bình: Đất ở của người dân là hợp pháp và đó cũng là tài sản lớn nhất của mỗi gia đình. Vậy nhưng, từ khi "bị" quy hoạch vào hành lang thoát lũ sông Đáy, đất đai nơi đây không còn giá trị, nhà cửa thì không được xây mới, sửa chữa chỉ theo hiện trạng cũ nên không đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người dân... Nhiều hộ sẵn sàng chịu thiệt, cam kết khi dự án thoát lũ sông Đáy triển khai, chỉ được bồi thường, hỗ trợ về đất và nhà tầng 1; còn các tầng trên thì không nhận bồi thường, hỗ trợ, miễn là họ được xây dựng lại nhà khang trang, đủ chỗ ở cho con, cháu...
Đồng cảm với người dân, Chủ tịch UBND phường Biên Giang Đỗ Thị Thu Hà thông tin, phường đã nhiều lần có văn bản báo cáo cấp trên thực trạng các hộ dân gặp khó khăn về nơi ở, có nhu cầu cải tạo, sửa chữa, xin cấp phép tạm, cấp phép xây dựng mới...
Chủ tịch UBND phường Yên Nghĩa Nguyễn Bá Tiến cũng cho biết, phường đã từng đề nghị cấp thẩm quyền xem xét, có giải pháp tạm thời cho những hộ dân có nhu cầu được xây dựng nhà tạm, hoặc cấp phép xây dựng để trống tầng 1 nhằm bảo đảm việc thoát lũ theo quy định...
Tuy nhiên, những đề xuất trên chưa có câu trả lời rõ ràng. “Trong khi đó, tại hội nghị đại biểu HĐND thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Hà Đông trước kỳ họp thứ 12, HĐND thành phố khóa XVI cuối tháng 6 vừa qua, vấn đề cấp phép xây dựng, sửa chữa nhà nằm trong vùng thoát lũ dù rất “nóng”, nhưng lãnh đạo quận trả lời chung chung, khiến người dân rất tâm tư, trăn trở”, ông Lê Đình Vượng than phiền.
Để làm rõ việc cấp phép sửa chữa nhà ở cho người dân, phóng viên Báo Hànộimới đã đặt lịch làm việc với UBND quận Hà Đông từ ngày 10-6-2023 và dù đã nhiều lần liên hệ với Chánh Văn phòng UBND quận, nhưng đơn vị này vẫn không trả lời.
Với thực trạng nêu trên, đề nghị các cơ quan chức năng sớm có hướng tháo gỡ để các gia đình ổn định chỗ ở, không thể để các hộ dân phải chịu thêm thiệt thòi... Quyết định số 1821/QĐ-TTg ban hành đã gần 10 năm, đề nghị cấp thẩm quyền có câu trả lời thỏa đáng về tiến độ triển khai Quyết định để người dân biết và có định hướng cho cuộc sống.