Bình Dương hẹn về đích sớm với dự án đường Vành đai 3
Ngày 29-6, Bình Dương động thổ xây dựng 26,6km đường Vành đai 3 qua địa bàn, nhưng thực tế tỉnh đã hoàn thành, sử dụng hơn 15km dự án.
Ngay sau lễ động thổ, tỉnh Bình Dương sẽ khởi công nút giao Bình Chuẩn (điểm tiếp giáp giữa thành phố Thuận An và thành phố Thủ Dầu Một) và cầu Bình Gởi (nối thành phố Thuận An và huyện Củ Chi của thành phố Hồ Chí Minh), với tổng kinh phí khoảng 1.236 tỷ đồng.
Đoạn tuyến đường Vành đai 3 vùng thành phố Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Bình Dương dài 26,6 km. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động phát triển hạ tầng giao thông, những năm qua, tỉnh Bình Dương đã hoàn thành hơn 15km dự án với việc xây dựng và đưa vào khai thác đường Mỹ Phước - Tân Vạn quy mô 10 làn xe (6 làn xe cơ giới, 4 làn xe thô sơ).
Trong hơn 11km còn lại đoạn qua địa bàn, tỉnh Bình Dương sẽ xây dựng 2 nút giao lớn là nút giao Tân Vạn và nút giao Bình Chuẩn. Trong đó, nút giao Tân Vạn giai đoạn hoàn thiện phần đường cao tốc có quy mô 8 làn xe cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h. Đối với phần đường song hành, hai bên bố trí tối thiểu 2 làn xe cơ giới và 1 làn xe hỗn hợp mỗi bên, vận tốc thiết kế 60 km/h.
Đáng chú ý, nút giao Tân Vạn có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 2.100 tỷ đồng, được đánh giá là quan trọng và phức tạp nhất của đường Vành đai 3. Nút giao được xây dựng tại vị trí tiếp nối với đường sắt, đường trên cao và tuyến cao tốc, thành nút giao ba tầng.
Còn nút giao Bình Chuẩn có tổng mức đầu tư 571 tỷ đồng. Ngoài cầu vượt, nút giao Bình Chuẩn được thiết kế có hầm chui và đường song hành để tránh ùn tắc và tai nạn giao thông.
Tỉnh Bình Dương cũng sẽ khởi công xây dựng ngay cầu Bình Gởi vượt sông Sài Gòn, nối thành phố Thuận An của tỉnh Bình Dương với huyện Củ Chi của thành phố Hồ Chí Minh. Cầu Bình Gởi khi hoàn thành sẽ tạo thuận lợi cho người dân và phương tiện lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam bộ.
Xác định tuyến đường Vành đai 3 vùng thành phố Hồ Chí Minh khi hoàn thành sẽ tạo ra một trục giao thông chiến lược, kết nối và lan tỏa, tạo tiền đề để tháo gỡ các điểm nghẽn; mở ra hướng mới để phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nên các cấp, các ngành của tỉnh Bình Dương đã tập trung lớn cho dự án này.
Các cấp, các ngành của tỉnh Bình Dương đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục để động thổ các gói thầu còn lại của dự án thành phần 5 đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh chậm nhất trong tháng 9-2023 và hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng trong năm 2026.
Khi đó, dự án đường Vành đai 3 vùng thành phố Hồ Chí Minh hứa hẹn sẽ tạo hành lang công nghiệp kết nối các kho cạn về cụm cảng biển, sẽ giảm thời gian đi lại, tăng số vòng vận tải, giảm chi phí logistics và tạo lợi thế cạnh tranh không chỉ cho tỉnh Bình Dương mà còn cho cả Đông Nam Bộ.