Kinh tế

6 tháng đầu năm 2023: GDP tăng trưởng 3,72%

Hồng Sơn 29/06/2023 - 14:12

Phát biểu tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2023, sáng 29-6 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II-2023 tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72% so với cùng kỳ.

7034830ad76e07305e7f-1-1-.jpg
Quang cảnh buổi họp báo.

Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, đóng góp 9,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,13%, đóng góp 11,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 78,85%.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, phức tạp, hoạt động kinh tế toàn cầu khó khăn, suy giảm trên diện rộng, nhưng với sự vào cuộc, chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế nước ta đã đạt kết quả đáng ghi nhận.

“Đây là mức tăng trưởng không cao nhưng các cân đối lớn được bảo đảm, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì mức tăng trưởng ổn định, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt, cán cân thương mại hàng hóa duy trì thặng dư, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện…”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhận định.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, năng suất lúa đông xuân đạt khá, sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới nên giá trị tăng thêm trong 6 tháng qua là 0,44% so với cùng kỳ, đây là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm giai đoạn 2011-2023.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6 đạt 29,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước và giảm 11,4% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do mức cầu thế giới nói chung và ở các đối tác nhập khẩu lớn của nước ta suy giảm khá mạnh.

Đáng ghi nhận là, các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh, góp phần duy trì tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Theo đó, giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 6 tháng qua tăng 6,33% so với cùng kỳ và cao hơn mức tăng 1,18% và 4,53% của cùng kỳ các năm 2020 và năm 2021...

Theo Tổng cục Thống kê, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế nước ta tiếp tục đối diện nhiều khó khăn, thách thức do các biến động về kinh tế, chính trị của thế giới, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh bất thường, khó dự báo. Thực tế này đồng nghĩa với gánh nặng và áp lực sẽ dồn lên 6 tháng còn lại của năm kế hoạch 2023.

Do đó, đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023 là thách thức rất lớn, cần sự nỗ lực, quyết tâm rất cao, sự chung sức, đồng lòng tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp trong cả nước.

"Các ngành, các cấp tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn, kịp thời ứng phó trong mọi tình huống; tập trung triển khai hiệu quả, đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội", Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.