Xã hội

Công tác bảo trợ xã hội của Hà Nội 6 tháng đầu năm 2023: Nhiều điểm nhấn ấn tượng

Mai Hoa 29/06/2023 - 06:39

Trong 6 tháng đầu năm, gần 800 tỷ đồng đã được sử dụng để chi trả trợ cấp hằng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội và thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật, trẻ em bị mất nguồn nuôi dưỡng, người cần bảo vệ khẩn cấp tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân đã trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về những điểm nhấn ấn tượng trong công tác bảo trợ xã hội, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của thành phố.

treem.jpg
Đại diện Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội cùng đơn vị tài trợ tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Ứng Hòa, tháng 6-2023.

- Ông có thể chia sẻ đôi điều về những kết quả đáng ghi nhận trong công tác bảo trợ xã hội 6 tháng đầu năm của Hà Nội?

- Phát huy kết quả đã đạt được trong năm 2022, ngay từ đầu năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao theo nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội, các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND thành phố Hà Nội. Về cơ bản, các nhiệm vụ đều được thực hiện theo đúng kế hoạch chương trình công tác đã xây dựng; các chỉ đạo thường xuyên, đột xuất cũng được triển khai thực hiện theo đúng tiến độ và bảo đảm yêu cầu.

Đáng chú ý, Hà Nội vẫn khẳng định vị thế là một địa phương dẫn đầu trong việc thực hiện tốt công tác bảo trợ xã hội. 6 tháng đầu năm, 202.000 đối tượng bảo trợ xã hội đã được chi trả trợ cấp hằng tháng với số tiền 735,54 tỷ đồng.

Thành phố cũng đã thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng 2.787 đối tượng là người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật, trẻ em bị mất nguồn nuôi dưỡng, người cần bảo vệ khẩn cấp tại các cơ sở bảo trợ xã hội với kinh phí 35,67 tỷ đồng. Cùng với đó, Hà Nội đã hỗ trợ đột xuất 6 vụ việc với 10 nạn nhân, tổng số tiền hỗ trợ là 55 triệu đồng, bao gồm 45 triệu đồng từ nguồn ngân sách thành phố, 10 triệu đồng từ nguồn vận động Quỹ Bảo trợ trẻ em.

Ngoài ra, có 278 người lang thang xin tiền, người vô gia cư được tiếp nhận vào các trung tâm bảo trợ xã hội, 131 đối tượng bảo trợ xã hội được tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội. Ban Phục vụ lễ tang đã thực hiện 9.675 ca hỏa táng, trong đó hỏa táng 26 trường hợp tử vong do dương tính với SARS-CoV-2; tỷ lệ hỏa táng hiện đạt 71%...

- Trong công tác bảo trợ xã hội, hoạt động can thiệp, trợ giúp trẻ em được thực hiện ra sao, thưa ông?

- Thông qua nhiều kênh khác nhau, từ ngày 16-12-2022 đến 14-5-2023, Sở tiếp nhận thông tin 31 vụ việc vi phạm quyền trẻ em. Qua báo cáo xác minh, 25 vụ việc đúng như phản ánh (6 vụ xâm hại tình dục, 10 vụ bạo lực, 9 vụ bỏ rơi, bỏ mặc), 6 vụ đang xác minh, giải quyết. Tất cả trẻ em trong các vụ việc nêu trên đều được cơ sở can thiệp, trợ giúp theo quy định; đồng thời báo cáo 5 vụ việc gửi Cục Trẻ em.

Bên cạnh đó, công tác vận động, hỗ trợ trẻ em được đặc biệt quan tâm. Tính đến ngày 13-6-2023, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đã vận động được 50 đơn vị tài trợ, với tổng kinh phí 5,803 tỷ đồng (trong đó, tiền mặt 2,869 tỷ đồng, hiện vật trị giá 2,934 tỷ đồng). Trung tâm đã hỗ trợ cho 4.674 trẻ em với kinh phí 7,025 tỷ đồng. Đó là còn chưa kể việc hỗ trợ 11.912 trẻ em được khám tim học đường…

- Để công tác bảo trợ xã hội của Hà Nội ngày càng phát huy tính hiệu quả, theo ông, đâu là những nút thắt cần tháo gỡ trong thời gian tới?

- Thực tế hiện nay cho thấy, nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội ngày càng tăng, trong bối cảnh các trung tâm bảo trợ xã hội ngày càng bị quá tải. Chính vì vậy, cùng với nhiệm vụ thực hiện tốt các chính sách bảo trợ xã hội, có một số đề án, dự án rất cần được quan tâm thực hiện, bao gồm: Đề án mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí cho người mắc bệnh tâm thần tại Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần số 2 Hà Nội; Dự án mở rộng Trung tâm Bảo trợ số 2 Hà Nội đóng trên địa bàn xã Viên An, huyện Ứng Hòa; Dự án mở rộng diện tích Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Thụy An, Ba Vì.

Cùng với đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng đã đề xuất thành phố cho thành lập một trung tâm bảo trợ xã hội ở Sóc Sơn, đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội khu vực phía Bắc. Một nút thắt cần được tháo gỡ nữa, đó là quỹ đất tại các nghĩa trang nhân dân do Ban phục vụ lễ tang Hà Nội quản lý đã hết, trong khi đó nhu cầu của người dân rất lớn. Vì vậy, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp cùng các sở, ban, ngành liên quan, đề nghị thành phố cho phép được tiếp tục triển khai các dự án mở rộng Nghĩa trang Thanh Tước và Nghĩa trang Yên Kỳ, đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhân dân.

- Trân trọng cảm ơn ông!