Trục lợi bảo hiểm xã hội: Xử nghiêm!
Sổ bảo hiểm xã hội được cấp và giao cho người lao động giữ để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội gắn với nhân thân từng người. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng mua bán sổ bảo hiểm xã hội trên các trang mạng xã hội đang diễn ra sôi động hơn bao giờ hết - điều này vừa vi phạm pháp luật, vừa để lại những hệ lụy khôn lường cho người lao động.
Chỉ cần gõ từ khóa "mua bán sổ bảo hiểm xã hội" vào mục tìm kiếm trên trang Facebook, hàng loạt fanpage hiện ra với các tiêu đề như "Thanh lý sổ bảo hiểm xã hội trước hạn và xử lý lỗi", "Hỗ trợ cầm và thanh lý bảo hiểm xã hội", "Thu mua sổ bảo hiểm xã hội trước hạn"… với số lượng thành viên mỗi nhóm từ hàng trăm đến hàng chục ngàn người.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tình trạng gian lận, trục lợi bảo hiểm xã hội đã xảy ra nhiều năm với các hình thức, thủ đoạn tinh vi như trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, tình trạng mua bán sổ bảo hiểm xã hội qua mạng bằng hình thức nhận ủy quyền; mua bán, cấp khống giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội; người lao động mang sổ bảo hiểm xã hội của mình đi cầm cố hoặc bán… cũng đang gia tăng.
Theo quy định tại Khoản 6, Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động có quyền: “Ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội”. Quy định này nhằm tạo thuận lợi cho người lao động trong tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật về quyền công dân. Tuy nhiên, do nhận thức của một bộ phận người lao động còn hạn chế, nên các đối tượng xấu đã lợi dụng để tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo nhằm thực hiện việc mua bán sổ bảo hiểm xã hội với giá rẻ, kèm theo giấy ủy quyền nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội để sau đó làm thủ tục thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội và hưởng chênh lệch.
Để kịp thời ngăn chặn tình trạng này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có công văn đề nghị Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) vào cuộc, hỗ trợ xử lý nghiêm các hoạt động mua bán sổ bảo hiểm xã hội trên môi trường internet. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng yêu cầu bảo hiểm xã hội các tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm soát để phát hiện dấu hiệu trục lợi từ việc thu gom, mua bán sổ bảo hiểm xã hội.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều địa phương và doanh nghiệp… cũng đã đề nghị bổ sung quy định: “Nghiêm cấm hành vi cầm cố, mua bán sổ bảo hiểm xã hội; hành vi mượn hồ sơ, giấy tờ của người khác để tham gia quan hệ lao động và tham gia bảo hiểm xã hội”. Đặc biệt, cần tăng cường tuyên truyền về tác dụng của hệ thống an sinh xã hội nói chung, các chế độ bảo hiểm xã hội nói riêng.
Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, người lao động cần nêu cao cảnh giác để không bị lôi kéo, xúi giục, tham gia mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội. Đồng thời, chủ động tố giác các hành vi phạm pháp tới cơ quan công an, bởi mọi hoạt động mua bán, thu gom sổ bảo hiểm xã hội dưới bất kể hình thức nào đều là hành vi trục lợi bất chính và phải bị xử lý nghiêm.