Văn hóa

Trao giải cuộc thi viết "Cha và con gái": Tôn vinh giá trị nhân văn và tình cảm gia đình

Theo Gia đình Việt Nam 28/06/2023 - 21:52

Nhiều tác phẩm tham dự cuộc thi "Cha và con gái" đã gây xúc động mạnh mẽ, tạo nên giá trị nhân văn cao đẹp của tình cảm gia đình - thứ tình cảm thiêng liêng nhất trong hệ giá trị đạo đức của người Việt.

thi-viet-1.jpg
Nhà báo Hồ Minh Chiến phát biểu tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết "Cha và con gái".

Chiều ngày 28-6 tại Hà Nội, Tạp chí Gia đình Việt Nam đã tổ chức Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết "Cha và con gái" sau 2 tháng chính thức phát động.

Phát biểu tại lễ trao giải, Nhà báo Hồ Minh Chiến, Tổng Biên tập Tạp chí Gia đình Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi cho biết, cuộc thi viết "Cha và con gái" đã tạo được hiệu ứng, lan toả rộng rãi khi thu hút được độc giả ở nhiều độ tuổi, cả trong và ngoài nước với hơn 800 tác phẩm gửi về dự thi.

thi-viet-2.jpg
Cuộc thi viết "Cha và con gái" đã tạo được hiệu ứng, lan toả rộng rãi khi thu hút được độc giả ở nhiều độ tuổi, cả trong và ngoài nước với hơn 800 tác phẩm dự thi.

"Sau hai tháng phát động cuộc thi, hơn 800 bài viết gửi đến là chừng ấy câu chuyện xúc động, thấm đẫm tinh thần nhân văn. Đọc mỗi bài viết, chúng tôi cảm thấy như có một ngọn lửa ấm đang nhen lên trong mỗi gia đình, sưởi ấm những số phận, những cuộc đời; hàn gắn những vết thương, tha thứ những lỗi lầm và lan tỏa những nụ cười hạnh phúc", nhà báo Hồ Minh Chiến nói.

Các bài viết gửi dự thi là những câu chuyện cảm động, những kỷ niệm, ký ức thân thương mà bình dị, đầy ắp tình yêu thương, tình cảm gia đình góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhân văn tạo nên một bức tranh sinh động, giàu tình yêu cuộc sống.

thi-viet-3.jpg
Nhà thơ Hồng Thanh Quang - Trưởng ban Giám khảo cuộc thi phát biểu tại lễ trao giải.

Đó là những người cha ngoài đời xù xì, gai góc, chưa từng nói tiếng yêu con nhưng đi vào trang viết thì ấm áp, bao dung lạ thường. Có những người cha oằn mình đạp xích lô chở giấc mơ con nhưng cũng có những người cha đã bỏ con gái nhỏ bé của mình để chạy theo những ảo vọng.

Có những người con gái hằng ngày bướng bỉnh, vô tâm nhưng khi đặt bút viết về cha thì tình yêu chảy tràn trên từng nét chữ. Có những người con ngoan ngoãn, hiếu thảo nhưng cũng có những người con vấp ngã, sai lầm.

thi-viet-4.jpg
Nhà thơ Hồng Thanh Quang và Nhà báo Hồ Minh Chiến trao giải Nhất cho tác giả Trần Việt Trung với tác phẩm "Giao cảm".

"Bên cạnh tiếng gọi Cha, tiếng Bố, tiếng Ba quen thuộc, chúng tôi thật xúc động khi nghe tiếng gọi Pá vọng ra từ bếp lửa nhà sàn, tiếng gọi Tía nghiêng nghiêng theo những nhịp chèo sông nước miền Tây. Tất cả đều được viết, được kể bằng một thái độ bao dung, tha thứ, lấp lánh những giá trị nhân văn. Chúng tôi gọi đó là điều kỳ diệu đến từ một cuộc thi kỳ diệu", Tổng Biên tập Tạp chí Gia đình Việt Nam chia sẻ.

Chia sẻ về quyết định tổ chức cuộc thi viết đầy ý nghĩa nhân văn này, nhà báo Hồ Minh Chiến cho biết vào tháng 3-2023, trong một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi tại thành phố Hồ Chí Minh, Nhà văn Nguyễn Một (tác giả của gần 20 đầu sách đa dạng thể tài: truyện ngắn, truyện vừa, bút ký, tản văn, tiểu thuyết nổi tiếng trên văn đàn) đã nêu ý tưởng về việc tổ chức một cuộc thi viết chủ đề: “Cha và con gái” trên Tạp chí Gia đình Việt Nam.

thi-viet-5.jpg
PGS. TS Phạm Bá Nhất - Chủ tịch Hội KHHGĐ Việt Nam và ông Đặng Khắc Lợi - Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) trao giải Nhì cho các tác giả đoạt giải.

"Ban đầu, chúng tôi cũng có chút băn khoăn: Tại sao lại là cha và con gái mà không phải là mẹ và con gái, cha và con trai hay mẹ chồng và con dâu? Bởi tất cả những mối quan hệ ấy trong gia đình Việt đều quan trọng, thiêng liêng. Nhưng rồi, bằng quan sát và trải nghiệm, sau khi bàn bạc, nghiên cứu, Ban biên tập Tạp chí Gia đình Việt Nam đã tiếp thu ý tưởng của nhà văn Nguyễn Một, quyết định xây dựng quy chế, thể lệ và tổ chức phát động cuộc thi viết về chủ đề: “Cha và con gái”", nhà báo Hồ Minh Chiến nói.

thi-viet-6.jpg
GS. TS Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam và nhà văn, nhà báo Võ Hồng Thu trao thưởng cho đại diện các tác giả đạt giải Ba cuộc thi.

Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, cuộc thi có sức hút ngoài sức tưởng tượng và đã chạm đến trái tim của nhiều người. Trong 2 tháng qua, Tạp chí Gia đình Việt Nam đã mở thêm hẳn một chuyên mục mới có tên “Cha và con gái” trên giao diện chính để chuyển tải hàng trăm bài dự thi đến bạn đọc.

Đáng chú ý, nhiều tác phẩm sau khi đăng tải trên các ấn phẩm của Gia đình Việt Nam đã gây xúc động mạnh mẽ, tạo nên giá trị nhân văn cao đẹp về tình cảm gia đình. Nhiều tác giả đã gửi thư cho Ban tổ chức đính kèm bài dự thi, bày tỏ sự xúc động khi được viết, được nói những điều bấy lâu nay ấp ủ trong lòng. Nói ra những tình cảm canh cánh trong lòng cũng là một sự dũng cảm, một nhu cầu để giải tỏa những ẩn ức, để đứng lên, bước tiếp và yêu thương.

thi-viet-7.jpg
Đại diện Ban tổ chức trao giải thưởng Thí sinh nhỏ tuổi nhất cho tác phẩm "Bố là tất cả của chúng con" của tác giả Ngô Ngọc Bảo và Bài viết có nhiều lượt đọc nhất cho tác phẩm "Que kem 500 đồng của bố" của tác giả Nguyễn Thị Tuyến.

Chia sẻ tại Lễ tổng kết và trao giải, nhà thơ Hồng Thanh Quang - Trưởng ban Giám khảo cuộc thi cho biết, cuộc thi viết "Cha và con gái" do Tạp chí Gia đình Việt Nam tổ chức mang ý nghĩa rất nhân văn và có tác động to lớn tới nhiều gia đình trong xã hội hiện nay, bởi người cha nào cũng rất yêu thương con gái của mình nhưng không phải lúc nào cũng yêu thương con gái của những người đàn ông khác và đó chính là nguyên nhân gây ra rất nhiều nước mắt trong gia đình.

Theo Trưởng ban Giám khảo cuộc thi viết "Cha và con gái", các tác phẩm lọt vào vòng chung khảo đều rất chất lượng vì đó là những câu chuyện ý nghĩa, tình cảm chân thành của người viết.

thi-viet-8.jpg
Tác giả Trần Việt Trung (Hà Nội) giải nhất cuộc thi với tác phẩm "Giao cảm" chia sẻ tại chương trình.

"Không phải tất cả những bài viết lọt vào "mắt xanh" của Ban giám khảo nhưng tôi cho rằng một khi chúng ta đã được viết, được thổ lộ tình yêu thương chân thành đối với cha và con gái thì đó đã chính là những phần thưởng rất ý nghĩa", nhà thơ Hồng Thanh Quang nhận định.

Xuất sắc với bài viết được gửi dự thi từ rất sớm, tác giả Trần Việt Trung (Hà Nội) đã giành giải nhất với tác phẩm "Giao cảm". Giải Nhì được trao cho hai tác phẩm "Lời ru của Pá" của tác giả Muồng Hoàng Yến (Bắc Kạn) và "Mặt trời màu xanh" của tác giả Phạm Huy Thắng (Hà Nội).

thi-viet-9.jpg
Đại diện Ban tổ chức và Ban giám khảo cuộc thi viết "Cha và con gái" chụp ảnh lưu niệm với các tác giả đoạt giải.

3 giải Ba được trao cho các tác phẩm "Chiếc chuông gió hòa bình" của tác giả Nguyễn Hữu Quý (Quảng Trị), tác phẩm "Mong ba hãy thanh thản nhẹ lòng mà đi" của tác giả Jolie Nguyễn Thị Kim Huyền (Texas - Hoa Kỳ) và tác phẩm "Ngày ngập nắng vàng" của tác giả Lê Tâm (Thanh Hóa).

Bên cạnh đó, 6 tác phẩm khác đã được trao giải Khuyến khích gồm tác phẩm "Từ hồi ức tuổi thơ" của tác giả Phạm Hồng Tuyến; "Ba ơi sao ba không ôm con?" của tác giả Hồ Bé Linh (Cần Thơ); "Chú rể từ trên trời rơi xuống" của tác giả Lê Anh Thi (Hà Tĩnh); "Tìm cha" của tác giả Lê Thị Bích Hà (Lâm Đồng); "Con gái “đặc biệt” của Ba" của tác giả Lê Sỹ Hoàng (TP. Hồ Chí Minh); "Cho đến bây giờ tôi mới dám tin mình có con gái" của tác giả Nguyễn Đức Lợi (Điện Biên).

thi-viet-10.jpg
Nhà báo Hồ Minh Chiến - Tổng Biên tập Tạp chí Gia đình Việt Nam tặng hoa tri ân các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đồng hành cùng cuộc thi viết "Cha và con gái".

Ban giám khảo cũng lựa chọn ra 5 tác phẩm nhận giải thưởng phụ cho các nội dung: Bài viết cảm động nhất cho tác phẩm "Dù bố có lỗi lầm gì, tôi cũng chọn thứ tha" của tác giả Lương Diễn (Thanh Hoá); Nhân vật có hoàn cảnh đặc biệt nhất cho tác phẩm "Người cha thầm lặng và 2 cô con gái khuyết tật" của hai tác giả Tăng Tuyết Nhi và Tăng Phương Nghi (TP. Hồ Chí Minh).

Giải thưởng Thí sinh nhỏ tuổi nhất được trao cho tác phẩm "Bố là tất cả của chúng con" của tác giả Ngô Ngọc Bảo (Bắc Ninh); Bài đăng sớm nhất cho tác phẩm "Con gái à con là tài sản lớn nhất của bố" của tác giả Ngô Tiến Mạnh (Hà Nội) và Bài viết có nhiều lượt đọc nhất cho tác phẩm "Que kem 500 đồng của bố" của tác giả Nguyễn Thị Tuyến (Hà Nội).