Rau hữu cơ Thanh Xuân bảo đảm chất lượng
Hiện nay, sản phẩm rau hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) có mặt ở các kênh phân phối hiện đại siêu thị, cửa hàng tiện ích nhờ chất lượng bảo đảm. Nông dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất rau hữu cơ từ việc làm đất, bón phân hữu cơ đến sơ chế, chế biến, cung cấp ra thị trường...
Theo bà Hoàng Thị Hậu, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn), với diện tích sản xuất 34ha, để bảo đảm chất lượng rau hữu cơ, hợp tác xã tuyên truyền tới thành viên tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc trong quá trình trồng rau.
Theo đó, nông dân không sử dụng bất kỳ loại chế phẩm hóa học để phòng trừ sâu bệnh gây hại, người dân dùng tỏi, gừng giã nhuyễn trộn với rượu phun lên rau hoặc dùng phương pháp dẫn dụ thủ công bằng đèn bẫy côn trùng; ủ phân từ những nguyên liệu là lá cây, trấu, tro...
Toàn bộ nước tưới cũng là nước sạch được bơm từ hệ thống giếng khoan của hợp tác xã, nước không bị nhiễm kim loại. Nguồn nước sạch chính là yếu tố cơ bản để rau sinh trưởng tốt và không độc hại cho quá trình canh tác cây trồng.
Bên cạnh đó, sản phẩm rau sạch tại đây đã nhận chứng nhận PGS (hệ thống giám sát cộng đồng nhằm bảo đảm chất lượng). Rau được sơ chế đóng gói đúng quy cách, bao bì có logo PGS, thông tin rõ ràng về nguồn gốc sản phẩm.
Nhờ chất lượng được kiểm soát, mỗi ngày, hợp tác xã sản xuất khoảng 5 tấn rau, củ, quả các loại, cung cấp cho gần 100 cửa hàng bán lẻ trên địa bàn Hà Nội như rau sạch Sói Biển, Bác Tôm, Eximax... đạt doanh thu khoảng 20 tỷ đồng/năm. Một số sản phẩm rau gia vị và bí xanh của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân đã được xuất khẩu sang Pháp, Đức...
Là một trong những khách hàng thường xuyên sử dụng rau hữu cơ Thanh Xuân, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm ở phường Văn Quán (quận Hà Đông) cho biết, hằng ngày gia đình vẫn mua rau hữu cơ Thanh Xuân tại cửa hàng Sói Biển. Nhìn chung, chất lượng rau ngon, có tem nhãn nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, ngày đóng gói nên yên tâm về chất lượng.
Đánh giá về hiệu quả của chuỗi rau hữu cơ Thanh Xuân, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát cho biết, đây là một trong những đơn vị tiên phong của Hà Nội trong phát triển mô hình rau hữu cơ bảo đảm chất lượng. Hợp tác xã tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất rau hữu cơ: Không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng các loại thuốc hóa học, kích thích tăng trưởng, không sử dụng giống biến đổi gen. Nhờ những mô hình sản xuất hữu cơ như Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân đã và đang từng bước thay đổi thói quen của người dân trong chăm sóc cây trồng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà thay thế bằng thuốc thảo mộc.
Bên cạnh đó, nhờ các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn nói chung và rau hữu cơ nói riêng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành chức năng trong quản lý an toàn thực phẩm từ gốc.
Để nhân rộng và lan tỏa hiệu quả mô hình sản xuất rau hữu cơ Thanh Xuân, các địa phương cần thường xuyên mở các lớp tập huấn về quy trình sản xuất an toàn cho nông dân; hỗ trợ các hợp tác xã về xây dựng thương hiệu, mã tem truy xuất nguồn gốc.
Đặc biệt, trước sức ép lớn về giá phân bón tăng cao và duy trì trong thời gian dài, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ là phương pháp tối ưu hiện nay, góp phần giúp nông dân giải được bài toán giảm chi phí, tăng lợi nhuận, bảo đảm cung cấp nguồn rau sạch, an toàn.