Xã hội

Vun đắp, phát huy hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới: Nền tảng phát triển quốc gia, dân tộc

Nguyễn Thanh 28/06/2023 - 06:15

Gia đình là hạt nhân của xã hội, trong dặm dài lịch sử gia đình Việt Nam hun đúc nên nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp, là một trong những nền tảng quan trọng tạo nên con người, quốc gia, dân tộc phồn vinh và hạnh phúc. Cũng vì vậy, ngày 4-5-2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28-6 hằng năm làm Ngày Gia đình Việt Nam. Trong thời kỳ mới, vun đắp, lan tỏa hệ giá trị gia đình Việt Nam vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển bền vững đất nước.

gia-dinh-1.jpg
Tiết mục “Tổ ấm gia đình Việt Nam” biểu diễn tại lễ khai mạc “Ngày hội gia đình Việt Nam năm 2023”.

Yếu tố quan trọng để xây dựng xã hội hạnh phúc

Nhà - làng - nước là 3 trụ cột của văn hóa Việt Nam. Gia đình hạnh phúc, xã hội bình yên, đất nước mới phát triển. Muốn xây dựng con người chuẩn mực với những phẩm chất tốt đẹp, đáp ứng sự phát triển bền vững của đất nước không thể bỏ qua vai trò của gia đình. Xác định rõ điều này, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm ban hành và thực thi nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để gia đình Việt Nam ổn định và phát triển trên cơ sở phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, đồng thời tiếp thu những chuẩn mực mới, vừa phù hợp với hoàn cảnh thực tế, vừa bảo tồn những truyền thống nhân văn cao cả.

Từ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Đảng ta đã định hướng “Phát huy trách nhiệm của gia đình trong việc lưu truyền những giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác”. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta tiếp tục chủ trương: “Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”. Gần đây nhất, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”; Chỉ thị số 06-CT/TƯ ngày 24-6-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới” cũng khẳng định: “Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước”…

Theo Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Tuyết Ánh, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Chỉ thị 06-CT/TƯ là sự tiếp nối quan trọng, thể hiện tầm nhìn của Đảng về gia đình và công tác gia đình trong tình hình mới, đồng thời tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán, xuyên suốt và nhân văn của Đảng về xây dựng gia đình Việt Nam. Cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, công tác xây dựng gia đình đã trở thành một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội từ Trung ương tới địa phương, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Ở cấp Trung ương, dấu ấn lớn nhất là nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng và Hiến pháp của Nhà nước. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TƯ của Ban Bí thư; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới; Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030… và đặc biệt là tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, với nhiều điểm tiến bộ, khắc phục các hạn chế tại luật đang hiện hành, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2023 tới.

Cùng với đó, Bộ chỉ đạo các cơ quan tham mưu triển khai các nhiệm vụ thường xuyên như tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc (20-3), Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình… Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, công tác người cao tuổi, trẻ em, bình đẳng giới… tạo chuyển động tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, sự quan tâm của các ngành, các cấp và mọi người dân về công tác gia đình trên cả nước.

Đơn cử tại Hà Nội, nỗ lực xây dựng gia đình thể hiện ở nhiều chương trình, nhiệm vụ, phong trào thi đua, cuộc vận động, đề án trọng tâm, mô hình sáng tạo… với đa dạng hình thức triển khai, thực hiện, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng từ thành phố tới cơ sở. Có thể kể đến: Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; các câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Giới và gia đình”, “Gia đình phát triển bền vững”; các mô hình “Phòng, chống bạo lực gia đình”, “Địa chỉ tin cậy”, “đường dây nóng”; các ngày hội, hội thi “Gia đình kết nối yêu thương”, “Gia đình văn minh hạnh phúc”…

gia-dinh-2.jpg
Tiết mục “Tổ ấm gia đình Việt Nam” biểu diễn tại lễ khai mạc “Ngày hội gia đình Việt Nam năm 2023”.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết: “Toàn thành phố hiện có 88% hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 790 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 749 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 2.193 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng… Nhờ vậy, điều kiện sống của các gia đình được cải thiện đáng kể; giá trị nhân văn mới, tiêu biểu là bình đẳng giới ngày càng được khẳng định và đề cao; việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ quyền lợi của trẻ em, chăm sóc người cao tuổi trong gia đình được coi trọng và có nhiều tiến bộ; nhiều giá trị truyền thống quý báu của gia đình Việt Nam được duy trì, phát huy…”.

Không ngừng nuôi dưỡng giá trị tốt đẹp của gia đình

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, gia đình Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, cũng đứng trước nhiều thách thức như vấn đề suy giảm quan hệ liên thế hệ; việc cân bằng giữa công việc và gia đình, chăm sóc, giáo dục trẻ em, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; giá trị đạo đức, ứng xử trong gia đình có lúc, có nơi bị xem nhẹ; tình trạng bạo lực gia đình vẫn nhức nhối; tỷ lệ ly hôn và ly thân có chiều hướng gia tăng… Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu về gia đình và giới Trần Thị Minh Thi chỉ ra: “Thách thức lớn nhất đối với gia đình Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XXI vẫn là làm thế nào để vừa tiếp thu những giá trị nhân văn mới trong xu thế hội nhập, vừa giữ vững bản sắc dân tộc, đồng thời phát huy được những giá trị truyền thống tốt đẹp đó, tạo điều kiện cho sự ổn định và phát triển lâu dài của đất nước”.

Từ những thách thức này, Đảng ta đã xác định “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. Gợi mở vấn đề cho các mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam trong giai đoạn mới, nhiều chuyên gia đã chỉ ra tính cấp thiết của việc củng cố, vun đắp các tiêu chí giữ gìn, phát triển gia đình, như các tiêu chí về hệ giá trị gia đình, tiêu chí về lối sống và phương thức ứng xử; tiêu chí về chức năng tâm lý, tình cảm, tín ngưỡng, tôn giáo…

Viện trưởng Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) Đặng Thị Hoa cho rằng, cần nghiên cứu, đánh giá hệ giá trị gia đình Việt Nam để nhận diện các giá trị tốt đẹp cần gìn giữ, phát huy; xác định các giá trị mới đang hình thành phù hợp với văn hóa Việt Nam. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thông. Xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật, chính sách phát triển hệ giá trị gia đình trong tình hình mới…

Về vấn đề này, theo Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Tuyết Ánh, hiện đơn vị đang triển khai các nhiệm vụ của Chiến lược phát triển gia đình đến năm 2030, Kế hoạch thí điểm xây dựng Tiêu chí gia đình hạnh phúc tại tỉnh Yên Bái và thành phố Hồ Chí Minh, cũng như nghiên cứu đề xuất thử nghiệm mô hình dịch vụ công về giáo dục kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc trước khi kết hôn tại Hải Phòng và Bình Dương năm 2022-2023, định hướng đến năm 2030... Vụ cũng đang đề xuất các nhiệm vụ về xây dựng và phát triển hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới; hoàn thiện và triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; xây dựng dữ liệu số quốc gia về gia đình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045…