Các cơ quan báo chí cần coi trọng công nghệ làm báo hiện đại
Sáng 27-6, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Vấn đề kinh tế báo chí đối với các Tạp chí khoa học của Liên hiệp Hội Việt Nam”.
Phát biểu tại hội thảo, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Thành Lợi cho biết, trong xu hướng chuyển đổi số, các cơ quan báo chí bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị, cần làm tốt và bắt kịp xu thế vận động và phát triển của kỷ nguyên công nghệ số. Để cơ quan báo chí chuyển đổi số thành công, cần phải có công nghệ và giải pháp hỗ trợ từ các cơ quan quản lý và sự liên kết giữa các cơ quan báo chí. Kinh tế báo chí trong xu hướng chuyển đổi số đã tiệm cận dần đến từ khóa “kinh tế báo chí số”.
Để phát triển kinh tế báo chí trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, theo ông Nguyễn Thành Lợi, báo chí cần phải thay đổi tư duy, cần coi trọng công nghệ làm báo hiện đại. Không phải ngẫu nhiên mà các cơ quan báo chí trên thế giới đã đưa ra triết lý làm báo mới: Nội dung và công nghệ phải song trùng. Công nghệ là “Nữ hoàng”, hay “công chúng là số 1” đã và đang chi phối thị trường báo chí toàn cầu, trong đó Việt Nam không là ngoại lệ.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí truyền thông cần xây dựng bộ phận và đội ngũ những người làm truyền thông, quảng cáo chuyên nghiệp, tránh hiện tượng núp bóng nhà báo để “xin” quảng cáo. Tăng cường tổ chức sự kiện, tham gia các hoạt động từ thiện, vì cộng đồng. Những hoạt động trách nhiệm xã hội đó làm tăng uy tín và thương hiệu của các cơ quan báo chí, đây là 1 trong 4 trụ cột trong chiến lược phát triển dài lâu của cơ quan báo chí trong tương lai.
Theo Phó Tổng Biên tập kiêm Thư ký tòa soạn Tạp chí Tự động hóa ngày nay Trần Thị Giang, Liên hiệp Hội Việt Nam có hệ thống báo chí lớn, với hơn 70 cơ quan báo chí, đa phần đang thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính. Tuy nhiên, so với nhu cầu thông tin hiện nay thì báo chí của Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn hạn chế trong việc đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Bà Trần Thị Giang đề xuất, báo chí thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam cần coi trọng đồng bộ công tác đổi mới nội dung và phát hành, có chiến lược phát triển nguồn thu cho cơ quan báo chí, tạo cơ chế chính sách hợp lý để huy động nguồn lực tập thể; tăng tính chủ động, sáng tạo và năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, nhân viên trong tòa soạn báo chí; xây dựng cơ chế quản lý, sử dụng tài chính phù hợp đặc thù của hoạt động báo chí…