Cơ chế đặc thù sẽ giúp “nâng tầm” y tế Thủ đô
Trong quá trình góp ý sửa đổi Luật Thủ đô, người dân và các chuyên gia về y tế cơ sở rất quan tâm, đề xuất và mong muốn phát triển hệ thống y tế Thủ đô hiện đại, hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện sức khỏe nhân dân. Trong đó, nhiều ý kiến nhấn mạnh, để “nâng tầm” ngành Y tế Thủ đô, phải có cơ chế đặc thù.
Một câu hỏi được nhiều người nêu ra là phải đặt vấn đề người dân đang muốn gì đối với ngành Y tế? Thực ra, người dân luôn mong muốn khi khỏe mạnh vẫn được chăm sóc để không bị bệnh, khi bị bệnh thì được tiếp cận kịp thời dịch vụ y tế chất lượng và chăm sóc toàn diện.
Tuy nhiên, hệ thống y tế của thành phố trong những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 còn bộc lộ nhiều hạn chế. Nhân lực ngành Y tế Thủ đô còn thiếu và yếu, tỷ lệ y, bác sĩ của thành phố trên số dân còn thấp. Đáng nói, chưa giải quyết hiệu quả tình trạng quá tải ở một số bệnh viện và chuyên khoa tại các bệnh viện tuyến...
Theo bác sĩ Trần Việt Anh (Trường Đại học Y Hà Nội), trong lộ trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), rất cần thiết nghiên cứu một số chính sách đặc thù giúp phát triển y tế Thủ đô theo nguyên lý y học gia đình. Trong đó, cần huy động sự tham gia của các đơn vị y tế ngoài công lập hiện đang sở hữu một số lượng nhân sự y tế lành nghề dồi dào. Chính sách cần hướng tới mục tiêu xây dựng được một môi trường làm việc công khai, minh bạch, công bằng với các nhân viên y tế để giúp họ toàn tâm, toàn ý tham gia trong chuỗi cung ứng dịch vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân Thủ đô trong kỷ nguyên hậu đại dịch Covid-19.
“Để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực chất lượng từ hệ thống y tế ngoài công lập, cần có chính sách ưu đãi đặc thù cho phép khu vực này tham gia chuỗi cung ứng dịch vụ chăm sóc ban đầu bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Trong đó, cần xây dựng giá dịch vụ và cơ chế thanh toán chi phí cung cấp dịch vụ y tế ngoài giờ, thí điểm khoán chi phí trên đầu thẻ bảo hiểm y tế, các gói dịch vụ y tế theo yêu cầu tại tuyến y tế cơ sở...”, bác sĩ Trần Việt Anh kiến nghị.
Trên thực tế, 80% nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân là ở tuyến cơ sở, 15% có nhu cầu chăm sóc ở tuyến 2 (tuyến tỉnh), chỉ 5% có nhu cầu chăm sóc ở tuyến 3 (tuyến trung ương). Tuy nhiên, hiện nay, người dân đang sử dụng dịch vụ thăm khám không cần thiết, nhiều bệnh nhân do thiếu tin tưởng về chất lượng ở tuyến dưới nên đã lên bệnh viện tuyến trên.
Về việc này, Tiến sĩ Trần Thị Mai Oanh, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) cho rằng, cần thiết nâng cao chất lượng hệ thống y tế Thủ đô để đảm đương được vai trò của cả 3 tuyến khám, chữa bệnh cho người dân.
Là công dân đã sinh sống trên địa bàn Hà Nội hơn 20 năm, ông Nguyễn Ngọc Dũng (ở quận Hà Đông) kỳ vọng, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ đáp ứng yêu cầu, mong muốn của nhân dân về phát triển y tế Thủ đô hiện đại, tập trung vào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế gia đình, bởi luật hiện hành mới chỉ có 1 điều quy định đơn giản về y học gia đình.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng cũng đề xuất, y học gia đình phải đẩy mạnh, nhưng phải có lộ trình, với cơ chế đặc biệt không những tạo động lực cho y tế gia đình phát triển mà còn phải bảo đảm bảo hiểm y tế chi trả mới có thể thu hút người dân chăm sóc sức khỏe ban đầu. Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo được sự liên thông để bác sĩ có thể theo dõi xuyên suốt sức khỏe, tiến triển bệnh qua những lần khám, so sánh từng chỉ số xét nghiệm, lịch sử khám chữa bệnh của bệnh nhân ở cả 3 tuyến. Điều này còn giúp bệnh nhân chủ động quản lý sức khỏe dễ dàng, tiết kiệm chi phí.