Mở rộng thị phần xuất khẩu
Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu rau, quả của nước ta đạt 2,8 tỷ USD, tăng hơn 63% so với cùng kỳ và gần bằng giá trị xuất khẩu cả năm 2022. Đây là kết quả ấn tượng trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu nói chung giảm 11,6% trong 5 tháng đầu năm, riêng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Trở lại với mặt hàng rau, quả, với đà tăng mạnh mẽ từ đầu năm, dự báo kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm nay sẽ lập kỷ lục, với con số được kỳ vọng cán đích trị giá 4 tỷ USD.
Trong tốp 10 thị trường xuất khẩu rau, quả lớn nhất của Việt Nam từ đầu năm đến nay thì Trung Quốc dẫn đầu với gần 63,5% thị phần, tăng hơn 12,4% so cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng mạnh mẽ ở thị trường nhiều tiềm năng này được nhận định là do nhu cầu lớn, nhất là với trái sầu riêng, thanh long.
Đồng thời, các nghị định thư nước ta ký với Trung Quốc trong năm 2022 đã giúp hoạt động xuất khẩu rau, quả có thêm nhiều thuận lợi, đi theo con đường chính ngạch, mang lại giá trị gia tăng lớn và có tính bền vững. Một thông tin đáng kể nữa là dù Trung Quốc kiểm soát hàng rào kỹ thuật về an toàn, vệ sinh thực phẩm ngày càng chặt chẽ, nhưng nông sản Việt thâm nhập thị trường này ngày càng tăng, cho thấy chất lượng hàng hóa nông sản tăng cao, giá cạnh tranh nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Từ sản phẩm rau, quả xuất khẩu, nhìn rộng ra, đây cũng chính là kinh nghiệm để tăng thị phần cho nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh khác của Việt Nam, đặc biệt là thâm nhập những thị trường lớn, có yêu cầu chất lượng hàng hóa cao như: Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Thực hiện yêu cầu này tốt hơn, cũng như mặt hàng rau, quả, các loại nông sản xuất khẩu khác của nước ta cần tiếp tục phải bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của nước nhập khẩu, hướng đến phát triển chế biến công nghệ hiện đại, phù hợp với quy mô canh tác. Đặc biệt, các bộ, ngành chức năng, nhất là ngành Nông nghiệp cần phối hợp với các địa phương khẩn trương xây dựng, phát triển vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, bảo đảm đáp ứng các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Ở góc độ người nông dân, cần tập trung sản xuất theo đúng định hướng, khuyến cáo của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, giúp tập trung vùng trồng, nâng cao tỷ lệ chế biến và đáp ứng được nhu cầu về đa dạng hóa sản phẩm.
Với tính chất là hàng hóa xuất khẩu nên các cơ quan chức năng cần quan tâm xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp đăng ký bảo hộ thương hiệu, sở hữu trí tuệ cho sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là trên thị trường quốc tế. Đồng thời, tăng cường cung cấp thông tin, khuyến cáo người dân, các hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp tổ chức sản xuất nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, đáp ứng các quy trình từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vận chuyển đến truy xuất nguồn gốc để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch.
Đặc biệt, cần xây dựng và hoàn thiện hạ tầng logistics phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của địa phương theo quy hoạch. Các địa phương cũng cần ưu tiên bố trí, huy động các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa; tích cực đàm phán, mở rộng thị trường, nhất là thị trường chính ngạch; tháo gỡ rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu nông sản vào các thị trường có tiềm năng lớn.