Sửa đổi Luật Thủ đô: Tạo nguồn lực tăng tốc phát triển
Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua vào ngày 21-11-2012 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2013. Sau 10 năm đi vào đời sống, việc thực thi những cơ chế đặc thù được luật quy định đã mang lại những kết quả tích cực trong xây dựng, phát triển Thủ đô.
Tuy nhiên, trước thực tế còn nhiều vướng mắc, Bộ Tư pháp đang phối hợp với UBND thành phố Hà Nội nghiên cứu, tham mưu sửa đổi Luật Thủ đô cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trong bối cảnh hiện nay. Dự kiến, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu (tháng 10-2023), thông qua tại kỳ họp thứ bảy (tháng 5-2024).
Những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn
Theo các chuyên gia và dưới góc độ của các cơ quan quản lý, thực tế cho thấy còn không ít vướng mắc mà Hà Nội không thể giải quyết do Luật Thủ đô hiện hành thiếu quy định về các cơ chế đặc thù. Mặt khác, sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành, đã có nhiều đạo luật chuyên ngành được ban hành để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, trong đó có những nội dung khác với Luật Thủ đô về cùng một vấn đề hoặc bãi bỏ quy định của Luật Thủ đô (Luật Cư trú đã bãi bỏ Khoản 3, Khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô). Việc chưa có quy định về nguyên tắc áp dụng trong Luật Thủ đô đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức thi hành luật. Nhiều vấn đề lớn do lịch sử để lại đến nay vẫn chưa có đủ điều kiện để giải quyết dứt điểm, như các lĩnh vực trường học, bệnh viện, trục đường giao thông, thoát nước, nhà tập thể, chung cư cũ, biệt thự cũ, nhà siêu mỏng, siêu méo, các dự án xây dựng cao tầng trong nội đô...
Đơn cử đối với công tác di dời và quản lý quỹ đất sau khi di dời của một số cơ quan, tổ chức chưa được thực hiện nghiêm theo Quyết định số 130/QÐ-TTg ngày 23-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ. Quỹ đất sau khi di dời chưa được bàn giao lại cho thành phố để xây dựng, phát triển các công trình công cộng theo quy định tại Khoản 4, Ðiều 15 Luật Thủ đô. Ðến nay, mới có hai cơ sở y tế đã di dời (gồm Bệnh viện K cơ sở 2 và Bệnh viện Nội tiết trung ương). Trong khi đó, theo Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đã được phê duyệt trong quy hoạch trên địa bàn thành phố.
Trong lĩnh vực đô thị, theo Sở Tư pháp Hà Nội, việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa truyền thống tại khu vực nội đô lịch sử là vấn đề được đặt ra trong nhiều chính sách, giải pháp của chính quyền các cấp tại Thủ đô Hà Nội những năm qua nhưng kết quả chưa như mong đợi. Hiện nay, nguồn lực để cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử, bao gồm các khu phố cổ, khu phố cũ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc có giá trị khác, còn manh mún, chưa tập trung vì vướng những vấn đề về quy định pháp luật.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân, khó khăn rất lớn trong phát triển Thủ đô hiện nay chính là nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng. Nếu không có cơ chế vượt trội để thu hút các nguồn lực xã hội thì rất khó giải quyết vấn đề này.
Một trong những nội dung nữa cần cấp thiết sửa đổi, bổ sung và thể chế hóa là vấn đề quy hoạch, sử dụng đất nông nghiệp, bao gồm cả đất ven bãi sông. Theo nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Chinh, Hà Nội là đô thị đặc biệt, có đặc điểm về tự nhiên, kinh tế - xã hội mang tính đặc thù so với các đô thị lớn trong nước và thế giới.
Là Thủ đô, nhưng diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội vẫn chiếm tới 70% tổng diện tích đất tự nhiên; tỷ lệ dân số nông thôn chiếm đến 1/2 tổng dân số. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Chinh cho rằng, cần phân định rõ đâu là không gian phát triển đô thị, nơi nào phát triển khu công nghiệp, khu vực nào dành cho dịch vụ, từ đó xác định khu vực phát triển nông nghiệp ổn định, lâu dài. “Những làng xã hiện tại và tương lai lâu dài vẫn phải là vùng nông thôn phát triển. Có định hướng như vậy mới tránh tình trạng làng làng chờ đợi, nhà nhà mong chờ, lo lắng xã ta sắp lên phường, cánh đồng làng ta sắp thành khu công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ…”, ông Nguyễn Văn Chinh bày tỏ quan điểm.
Cơ chế đặc thù giúp tạo nguồn lực to lớn
Từ thực tế nêu trên, Hà Nội đề xuất việc sửa đổi toàn diện nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập của Luật Thủ đô; tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế bằng 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa vào dự thảo luật. Đây được kỳ vọng là những nội dung có thể tạo đột phá về thể chế, phát huy thế mạnh của Thủ đô.
Trên tinh thần đó, dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi đã cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù để áp dụng được ngay. Đặc biệt, dự thảo luật thể hiện tinh thần phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, đồng thời quy định tương ứng cơ chế để nâng cao trách nhiệm cũng như kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền thành phố.
Theo hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi mới nhất đang được Bộ Tư pháp đăng tải công khai, lấy ý kiến, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội có thể ủy quyền cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Quy định này sẽ góp phần tăng cường tính chủ động, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan được ủy quyền cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, dự thảo luật kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô năm 2012; rà soát cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà có ưu điểm và phù hợp với Thủ đô để đưa vào. Đáng chú ý, để thu hút nhân lực chất lượng cao cống hiến cho sự nghiệp phát triển Thủ đô, dự thảo luật quy định chi khoản thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập theo năng lực, hiệu quả công việc; thành lập Quỹ Học bổng dành cho học sinh tài năng của Thủ đô phục vụ mục đích phát hiện, tuyển chọn, cử đi học tập, đào tạo ở các cơ sở giáo dục đào tạo có uy tín của nước ngoài, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển Thủ đô.
Trong lĩnh vực văn hóa, dự thảo luật cũng thể hiện sự phân quyền cho HĐND thành phố Hà Nội quy định phạm vi, mức hỗ trợ cao hơn quy định hiện hành đối với nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; có chế độ tôn vinh đối với nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể. Dự thảo luật cũng xây dựng một chương mới về chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô. Quy định về việc tổ chức khám sức khỏe miễn phí hằng năm cho người cao tuổi thường trú trên địa bàn thành phố Hà Nội được bảo đảm thực hiện từ ngân sách các cấp của thành phố Hà Nội, nguồn xã hội hóa và nguồn từ quỹ bảo hiểm y tế theo lộ trình phù hợp...
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, các đánh giá, ý kiến góp ý đang được Tổ thường trực trân trọng lắng nghe, tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu nhằm chỉnh lý, hoàn thiện, nâng cao chất lượng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Những nội dung này sẽ được sớm báo cáo Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự án Luật để trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội, bảo đảm thời hạn theo quy định. Đích đến là xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa; hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Tại Nghị quyết số 27/NQ-CP về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2-2023, Chính phủ cơ bản thống nhất với các chính sách trong văn bản đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) do Bộ Tư pháp trình, cụ thể: Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cơ chế thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; cơ chế huy động nguồn lực, nâng cao năng lực tài chính - ngân sách cho phát triển của Thủ đô; hoàn thiện các quy định về quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô; cơ chế, chính sách xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; cơ chế, chính sách phát triển văn hóa và giáo dục, đào tạo Thủ đô; huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; cơ chế, chính sách phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững; cơ chế, chính sách liên kết, phát triển Vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm.