Sự khác nhau giữa ký kết và gia nhập điều ước quốc tế

Ý kiến - Phản hồi - Ngày đăng : 08:49, 27/06/2005

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XI đã thông qua luật về Điều ước quốc tế; vậy, xin hỏi khi nào thì gọi là gia nhập và khi nào thì gọi là ký kết ?

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XI đã thông qua luật về Điều ước quốc tế; vậy, xin hỏi khi nào thì gọi là gia nhập và khi nào thì gọi là ký kết ?

Trả lời: Ký kết điều ước quốc tế là hành vi pháp lý của Nhà nước ta thỏa thuận bằng văn bản được ký kết với một hoặc nhiều quốc gia, nhiều tổ chức quốc tế. Quá trình ký kết bao gồm: đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt, hoặc trao đổi văn kiện tạo thành điều ước. Trước khi ký chính thức, hai bên có thể ký tắt để xác nhận văn bản này là văn bản cuối cùng đã được thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài. Các điều ước phải được Quốc hội hoặc Chủ tịch nước phê chuẩn và Chính phủ phê duyệt, để chấp nhận sự ràng buộc của điều ước đối với nước ta. Khi điều ước có hiệu lực đối với một quốc gia, thì quốc gia đó được gọi là thành viên của điều ước. Nhà nước của quốc gia thành viên có quyền chấm dứt hiệu lực của điều ước để từ bỏ hiệu lực của nó.

Khác với ký kết, gia nhập điều ước là hành vi pháp lý do Nhà nước thực hiện để chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đối với nước mình, trong trường hợp nước mình không ký kết điều ước đó và không phụ thuộc vào việc điều ước này đã có hiệu lực hay chưa.

Sau một thời gian ký kết hoặc gia nhập điều ước, nhà nước của một quốc gia có quyền từ bỏ hoặc rút khỏi điều ước, nghĩa là từ bỏ sự ràng buộc của điều ước đó đối với nước mình. Cũng có thể không từ bỏ, hoặc rút khỏi, mà chỉ tạm dừng thực hiện một phần hoặc toàn bộ điều ước mà nước mình là thành viên.

Nếu muốn thay đổi, hoặc loại trừ hiệu lực pháp lý của một hoặc một số quy định trong điều ước khi áp dụng tại nước mình, nhà nước của quốc gia đó có quyền tuyên bố bảo lưu những điều khoản ấy, khi tiến hành ký kết, hoặc gia nhập điều ước.

Trong trường hợp văn bản pháp luật và điều ước mà nước ta là thành viên, có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế. Nhà nước ta quy định việc ban hành văn bản pháp luật phải bảo đảm không làm cản trở việc thực hiện điều ước mà nước ta là thành viên, có quy định cùng một vấn đề.

HNM

ANHTHU