Nâng cao nhạy cảm giới trong xây dựng các sản phẩm báo chí
Đời sống - Ngày đăng : 11:37, 12/01/2023
Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Thị Hải Vân cho biết: Thông qua khóa tập huấn, Ban tổ chức kỳ vọng các học viên là nhà báo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí được trang bị thêm kỹ năng về sáng tạo tác phẩm lồng ghép giới, có các góc nhìn về giới, tăng cường nhận thức về bình đẳng giới, ngăn ngừa định kiến về giới thông qua các sản phẩm báo chí.
Đại diện tổ chức Oxfarm tại Việt Nam, bà Lê Thúy Hạnh chia sẻ: “Là tổ chức phi chính phủ tập trung các hoạt động phát triển nhân đạo, Oxfarm đặt mục tiêu chống lại nghèo đói và bất công, mà một nguyên nhân gây nên nghèo đói và bất công chính là sự bất bình đẳng về giới. Trong khuôn khổ Dự án Thanh thiếu niên tham gia thách thức định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới (Youth & Gender) do Oxfarm quản lý, Liên minh Châu Âu tài trợ, chúng tôi tập trung vào đối tượng thanh niên, phóng viên báo chí, công ty marketing, nhằm nâng cao năng lực, nhận thức về giới trong truyền thông, tập trung thay đổi 3 định kiến giới phổ biến: Vai trò giới; đánh giá thấp và ít trao cơ hội để phụ nữ có thể làm lãnh đạo; chống lại định kiến giới đối với nam giới… Thông qua khóa học này, Ban tổ chức hy vọng sẽ có nhiều sản phẩm báo chí thách thức 3 định kiến giới này".
Trong khuôn khổ chương trình, bàn về yêu cầu về chất lượng đối với một sản phẩm báo chí liên quan đến truyền thông về giới, PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: Có rất nhiều chủ đề báo chí có thể tập trung khai thác nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần thay đổi các định kiến về giới, thể hiện sự trung lập về cân bằng hình ảnh và vai trò của cả phụ nữ và đàn ông trong truyền thông; không phân biệt đối xử giữa đàn ông và phụ nữ, giữa con trai và con gái; thúc đẩy sự đa dạng về giới. Đồng thời, tăng cường truyền thông về trao quyền cho trẻ em gái, phụ nữ trong các vai trò phi truyền thống: lãnh đạo và quản lý, STEM (khoa học, công nghệ, kiến trúc và toán học), giao thông vận tải, cảnh sát...
Trao đổi một số khái niệm cơ bản về giới và hàm ý của các khái niệm trong xây dựng sản phẩm báo chí nhạy cảm giới, TS. Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng cho biết: Rất cần nhận diện được các biểu hiện “mù giới” và “nhạy cảm giới” trong các sản phẩm báo chí hiện có, đề ra giải pháp cải thiện chất lượng sản phẩm, thông qua cải thiện kỹ năng nhận diện vấn đề bất bình đẳng giới và kỹ năng lồng ghép giới trong xây dựng sản phẩm báo chí. Nhà báo cần nắm chắc một số khái niệm cơ bản và hàm ý của các khái niệm về giới trong thực tiễn để phản ánh trung thực, chính xác, truyền tải thông điệp về bình đẳng giới, góp phần nâng cao nhạy cảm giới trong quá trình sáng tạo các sản phẩm báo chí.