Hà Nội dự kiến quy hoạch một số khu nhà ở xã hội tập trung quy mô 200-300ha
Đời sống - Ngày đăng : 15:40, 12/10/2022
Tham gia buổi tiếp xúc cử tri có đại biểu Quốc hội chuyên trách Nguyễn Tuấn Thịnh. Dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của thành phố, quận Hoàng Mai và hơn 200 đại biểu cử tri trên địa bàn.
Đổi mới cơ chế, quy định phát triển nhà ở xã hội
Mở đầu buổi tiếp xúc, cử tri đã nghe đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh báo cáo về dự kiến nội dung kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV và tổng hợp trả lời của các bộ, ngành và thành phố Hà Nội về ý kiến, kiến nghị của cử tri quận Hoàng Mai trong kỳ tiếp xúc trước.
Nêu ý kiến, kiến nghị với đại biểu Quốc hội, cử tri Nguyễn Đình Giang (phường Đại Kim) kiến nghị quy định đối với nhà ở xã hội, sau 5 năm khi chuyển nhượng thì đối tượng mua lại vẫn phải là những người thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội chứ không bán tự do trên thị trường.
Cũng nêu ý kiến liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội, cử tri Trịnh Văn Bảy (phường Hoàng Liệt) kiến nghị cho phép chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quyền lựa chọn việc sử dụng 20% quỹ đất dự án để xây dựng nhà ở xã hội hoặc chuyển đổi quỹ đất 20% dành cho phát triển nhà ở xã hội sang một khu vực khác nhưng vẫn bảo đảm tính đồng bộ về không gian, cảnh quan, phân khúc khách hàng.
Ngoài ra, cho phép các dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có thể lựa chọn việc dành 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội hoặc đổi quỹ đất 20% trong dự án bằng tiền để nộp ngân sách nhà nước để địa phương sử dụng phát triển nhà ở xã hội.
Ông Trịnh Văn Bảy kiến nghị, cho phép UBND cấp tỉnh quyết định phần trăm diện tích đất dành cho phát triển nhà ở xã hội trong dự án thương mại, khu đô thị để phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển của địa phương từng khu vực; cho phép UBND cấp tỉnh xem xét việc bố trí quỹ nhà ở xã hội vào một ô đất độc lập, đơn lẻ theo quy hoạch để làm khu nhà ở xã hội.
Cử tri Nguyễn Thị Thủy (phường Vĩnh Hưng) kiến nghị thành phố có quy định và có hướng dẫn giải quyết đối với trường hợp xin chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp xen kẹt, đất vườn, ao trong khu làng xóm phù hợp với quy hoạch đất ở. Đồng thời, hướng dẫn giải quyết các trường hợp thuộc loại đất nêu trên mà đã tự chuyển mục đích sử dụng đất sang làm nhà ở trước ngày 1-7-2014, nay phù hợp với quy hoạch đất ở để đáp ứng nguyện của nhân dân, tăng nguồn thu ngân sách từ tiền sử dụng đất.
Đầu tư các khu nhà ở xã hội đồng bộ, tập trung
Sau khi nghe Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng trao đổi, giải đáp các vấn đề cử tri nêu, thay mặt các đại biểu Quốc hội phát biểu, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đồng chí khẳng định, các ý kiến cử tri nêu đều rất xác đáng, sâu sắc, là những vấn đề lãnh đạo thành phố rất quan tâm.
Theo Bí thư Thành ủy, phát triển nhà ở xã hội là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn có nhiều bất cập, trong đó có việc sử dụng quỹ đất 20% của các khu đô thị. Nếu khu đô thị chỉ có khoảng 2ha thì 20% sẽ rất nhỏ, việc đầu tư nhà ở xã hội dễ manh mún, thiếu đồng bộ. Do đó, hiện nay, thành phố đã kiến nghị với Chính phủ cho phép xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung. Đây cũng là hướng thành phố điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, trong đó có thể bố trí những khu nhà ở xã hội tập trung với diện tích lên tới 200-300ha. Thành phố còn dự định sẽ chi ngân sách để đầu tư các công trình hạ tầng xã hội như trường học, trạm y tế vừa bảo đảm đồng bộ, vừa giúp hạ giá thành nhà ở cho người dân.
Đối với công tác quản lý đất đai, Bí thư Thành ủy cho biết, thành phố đã, đang và sẽ tiến hành rà soát để đánh giá các vấn đề, từ đó có giải pháp hoặc kiến nghị với Trung ương giải quyết những bất cập như thời hạn cho thuê đất công ích 5%; siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng...
Thông tin nhanh về tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố thời gian qua, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động bất ngờ, tình hình đại dịch Covid-19 phức tạp, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân; từng bước vượt qua khó khăn, thử thách; giành được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực.
Công tác xây dựng Đảng được tập trung thực hiện, có nhiều đổi mới quyết liệt trên các lĩnh vực, nhất là công tác cán bộ, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... Thành ủy đã ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 26-8-2022 về thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; đồng thời tập trung triển khai các đề án, dự án rất quan trọng, có tính dài hơi, đột phá cho sự phát triển bền vững của Thủ đô, tiêu biểu là Dự án đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; phát triển công nghiệp văn hóa; quyết định chủ trương đầu tư tập trung vào 3 lĩnh vực: Y tế, giáo dục - đào tạo và văn hóa với tổng dự toán trên 49.000 tỷ đồng; thực hiện Đề án cải tạo chung cư cũ...
Theo Bí thư Thành ủy, năm 2022, thành phố đã đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. 9 tháng qua, các chỉ số kinh tế đều đạt mức cao, trong đó tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 9,69% (cả nước tăng 8,83%), thu ngân sách nhà nước trên địa ước đạt 78,3% so với dự toán, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả của thành phố có phần đóng góp quan trọng của Đảng bộ và nhân dân quận Hoàng Mai đã hoàn thành toàn diện trên các lĩnh vực.
Lưu ý từ nay đến cuối năm còn rất nhiều khó khăn, thách thức, Bí thư Thành ủy đề nghị cấp ủy, chính quyền quận Hoàng Mai phải tập trung cao độ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ. Cán bộ, đảng viên nêu cao trách nhiệm nêu gương. Nhân dân đoàn kết, đồng lòng. Mỗi người cùng cố gắng, phấn đấu vì sự tiến bộ chung của địa phương, thành phố; quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển năm 2022.