Huyện Hoài Đức phấn đấu trở thành quận vào năm 2020
Quy hoạch - Ngày đăng : 07:48, 30/08/2019
- Ông có thể đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện trong 10 năm qua và cho biết đâu là điểm nhấn đáng ghi nhận?
- 10 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, Hoài Đức đã có những chuyển biến rõ nét, toàn diện. Cụ thể, mức tăng trưởng kinh tế đạt 11%/năm, thu nhập bình quân từ 22 triệu đồng/người/năm, đã tăng lên gần 50 triệu đồng/ người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,47% xuống còn 0,92%...
Đáng ghi nhận, Hoài Đức đã tích cực quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh cho hiệu quả kinh tế cao với tổng diện tích hơn 900ha, tăng gần 300ha so với năm 2010, tập trung tại các xã: Đắc Sở, Yên Sở, Cát Quế, Song Phương, Tiền Yên, Đông La... Nhiều xã trồng cây ăn quả đặc sản như: Nhãn muộn, bưởi Quế Dương, bưởi Diễn, phật thủ… với diện tích hàng trăm héc ta, cho thu nhập từ 500 đến 700 triệu đồng/ha/năm.
Đồng thời, với 52 làng có nghề, trong đó có 12 làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Chế biến nông sản Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, Ngự Câu…; điêu khắc, sơn tạc tượng Sơn Đồng; bánh kẹo, dệt La Phù,… Hoài Đức đã phát huy thế mạnh này trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động.
Cuối năm 2016, 100% số xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó xã Yên Sở được thành phố đánh giá là 1/50 xã tiêu biểu của thành phố, được Trung ương đánh giá là 1/27 xã tiêu biểu toàn quốc. Năm 2017, huyện Hoài Đức được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước 4 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 23 đề ra và trở thành huyện nằm trong tốp đầu về xây dựng nông thôn mới của thành phố.
- Nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện Hoài Đức thể hiện rõ nét qua những kết quả đạt được, trong đó có tốc độ đô thị hóa. Vậy ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm dẫn đến thành công đó?
- Với mục tiêu xây dựng Hoài Đức theo hướng đô thị, hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ, công tác đầu tư xây dựng được huyện đặc biệt quan tâm. Chuyển biến rõ nét là đầu tư xây dựng giao thông nông thôn. Sau gần 10 năm nỗ lực, Hoài Đức đã huy động được hàng nghìn tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 2.450 ngày công lao động, hiến hơn 90.000m2 đất nông nghiệp để bê tông hóa gần 80km đường liên xã, hơn 410km đường trục chính thôn và ngõ xóm, 20,1km đường nội đồng, kiên cố hóa 41,5km hệ thống thủy lợi…
Từ những kết quả đạt được, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm chính, đó là: Tập trung tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về chủ trương, mục đích, hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, từ đó tạo sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực, trong đó có xã hội hóa, đấu giá quyền sử dụng đất... để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Đồng thời, Hoài Đức cũng thúc đẩy các phong trào, cuộc vận động: “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân chung sức xây dựng đường giao thông thôn, xóm đạt chuẩn nông thôn mới”...
Một vấn đề quan trọng khác là quy hoạch, công tác này phải đi trước một bước. Đây chính là cơ sở để xây dựng kế hoạch dài hạn cũng như trung hạn, góp phần định hình chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và tránh được sự chồng chéo khi triển khai thực hiện.
- Cùng với thành công trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện còn có những khó khăn, bất cập gì cần tháo gỡ?
Hoài Đức đã, đang tiếp tục nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới gắn với các tiêu chí đô thị, phấn đấu xây dựng huyện thành quận vào năm 2020. Một số tiêu chí chưa đạt - vừa cần nguồn lực, vừa cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân để thực hiện. Đó là giao thông đô thị, các trung tâm thương mại cấp đô thị, bệnh viện, không gian công cộng và giải quyết tốt công tác vệ sinh môi trường, xử lý nước thải...
Ngoài ra, do ảnh hưởng của quy hoạch chung và quy hoạch phân khu đô thị, một số quy hoạch bị chồng lấn, tác động tiêu cực đến các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn, khiến một số dự án chậm triển khai do phải điều chỉnh quy hoạch; việc khớp nối hạ tầng giao thông, thoát nước thải của các xã và các khu đô thị, các quận liền kề cũng chưa đồng bộ...
- Với lộ trình xây dựng nông thôn mới nâng cao và hướng tới mục tiêu trở thành quận, Hoài Đức sẽ triển khai thực hiện như thế nào?
- Huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở từng xã theo hướng bền vững, phù hợp với tiêu chí của một quận, đồng thời đề ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân từ 10% đến 11%/năm; thu nhập bình quân đạt 55 triệu đồng/người/năm; 50% số xã có khu trung tâm văn hóa, thể thao và 100% thôn có nhà văn hóa...
Đối với các làng nghề, để phát triển bền vững, huyện sẽ tập trung mọi nguồn lực phấn đấu đến cuối năm 2020, các cơ sở sản xuất - kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường, đưa vào sử dụng 3 nhà máy xử lý nước thải để giảm thiểu ô nhiễm; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công các cụm công nghiệp làng nghề...
- Trân trọng cảm ơn ông!