Vì những con đường xanh, an toàn
Quy hoạch - Ngày đăng : 06:24, 22/09/2020
Người dân tham gia kiểm tra, rà soát
Mang lại không gian xanh, bóng mát, cải thiện chất lượng không khí cho đô thị, song nỗi lo về cây xanh gãy đổ, nhất là trong mùa mưa bão, gây mất an toàn cho người và tài sản khiến không ít người dân bất an.
Anh Nguyễn Đình Khánh (số 84 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, tháng 7-2020, vỉa hè trước biển số nhà có cây xà cừ to chết khô từ lâu. Mặc dù đã được cắt ngọn, song vỏ cây rơi xuống từng mảng... khiến cư dân khá bất an, nhất là mùa mưa bão đã bắt đầu. Lo sợ cây có thể bật gốc, gây mất an toàn, anh Khánh đã có đơn trình báo gửi Sở Xây dựng.
Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Trần Anh Tuấn cho biết, xử lý đơn trình báo của người dân, lãnh đạo Sở Xây dựng đã giao Ban Duy tu phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội, UBND phường Nguyễn Du kiểm tra hiện trường, xác định tình trạng cây nguy hiểm và thực hiện chặt hạ bảo đảm an toàn
tính mạng và tài sản người dân. “Ngoài việc kiểm tra, xử lý dựa trên đơn thư phản ánh của người dân, cơ quan, tổ chức, các đơn vị duy tu, duy trì hệ thống cây xanh và các địa phương cũng chủ động, thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, xử lý cây nguy hiểm theo nhiệm vụ được phân công. Bên cạnh đó, lập kế hoạch cắt tỉa, triển khai chặt hạ ngay cây sâu mục, cây chết, cây nghiêng, cũng như thực hiện chằng chống, trồng thay thế cây bóng mát có nguy cơ mất an toàn mùa mưa bão”, ông Trần Anh Tuấn thông tin thêm.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng, việc cắt tỉa cây xanh trên địa bàn thành phố được thực hiện định kỳ nhằm hạn chế thấp nhất cây đổ, cành gãy, gây nguy hiểm đến người và tài sản. Trong đó, công tác cắt tỉa cây được phân thành 2 nhóm: Cắt vén tán, nâng cao vòm lá, cắt cành khô (thực hiện 2 lần/năm) nhằm hạn chế ảnh hưởng an toàn giao thông; cắt làm thưa tán, thấp tán, hạ độ cao (thực hiện 1 lần/2 năm) nhằm hạn chế tình trạng cây gãy đổ.
Nhờ chủ động, thường xuyên thực hiện kiểm tra, rà soát, cắt tỉa nên trong 4 năm trở lại đây, tình trạng cây gãy, đổ, nhất là trong mùa mưa bão đã giảm rõ rệt. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, các đơn vị duy tu, duy trì hệ thống cây xanh đã hoàn thành cắt tỉa 82.461 cây bóng mát. Trong đó, cắt tỉa vén tán, nâng cao vòm lá 72.167 cây; cắt tỉa làm thưa tán, thấp tán, hạ độ cao 11.294 cây. Ngoài ra, qua đơn thư, công văn kiến nghị của người dân, các cơ quan, tổ chức; các đơn vị đã kiểm tra, cắt sửa 1.011 cây; chặt hạ 52 cây nguy hiểm. Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cũng đã trồng bổ sung 506 cây bóng mát trên một số tuyến đường theo đơn thư, công văn tại các vị trí trống, hố trống.
Bảo đảm an toàn hệ thống cây xanh
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội Nguyễn Đức Mạnh, cây nguy hiểm, có nguy cơ gãy đổ cao thường là những cây chết, già cỗi, bị mục gốc, mục thân, cây nặng tán, lệch tán cong queo, cây lâu năm không được cắt sửa, cây có chiều cao lớn, rễ nổi... Để hạn chế thấp nhất rủi ro do cây xanh gãy đổ, việc khảo sát thường xuyên có vai trò quyết định và được công ty thực hiện liên tục; trong quá trình tuần đường, nếu phát hiện cây nguy hiểm, có nguy cơ gãy đổ sẽ chặt hạ ngay; đồng thời tổ chức chữa trị cho những cây bị bệnh.
Để có những con đường xanh, an toàn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết, công tác quản lý, duy trì, bảo đảm an toàn hệ thống cây xanh luôn được chú trọng. Cụ thể, tháng 6-2020, Sở Xây dựng Hà Nội đã thành lập Tổ liên ngành, có sự tham gia của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội), đại diện 30 phòng quản lý đô thị quận, huyện, thị xã kiểm tra thực tế công tác duy tu, duy trì, chăm sóc cây xanh; rà soát, cắt tỉa, thay thế hệ thống cây xanh tiềm ẩn nguy cơ gãy, đổ đột ngột gây nguy hiểm cho người, tài sản của nhân dân. Đến nay, Tổ công tác liên ngành đã kiểm tra tại 18/30 quận, huyện, thị xã; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân và đơn vị được giao quản lý, duy trì hệ thống cây xanh thực hiện đúng các quy định hiện hành nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp cây đổ, cành gãy; cũng như yêu cầu các đơn vị liên quan xử lý ngay các trường hợp cây nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ gãy, đổ đột ngột.
Nhờ chú trọng quản lý, chăm sóc; thường xuyên kiểm tra, rà soát, cắt tỉa định kỳ, hệ thống cây xanh trên địa bàn Thủ đô ngày càng phát triển tốt, mang lại không gian xanh và cảnh quan ngày càng đẹp hơn, an toàn hơn trên các tuyến phố.