Hạ tầng điện châu Á khẩn cấp ứng phó nền nhiệt cao kỷ lục
Làn sóng nhiệt đến sớm với nhiệt độ cao kỷ lục trên khắp châu Á đang đặt ra những thử thách lớn và phức tạp chưa từng thấy đối với khả năng cung ứng điện và hệ thống truyền tải, cũng như với những nỗ lực thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo của khu vực.
Nhiều quốc gia châu Á ra sức kêu gọi người dân tiết kiệm điện nhằm bảo đảm hạ tầng cung ứng không quá tải trong bối cảnh nắng nóng gay gắt, thiếu nước… đang đè nặng lên năng lực sản xuất và truyền tải khắp khu vực. Mới nhất, Chính phủ Nhật Bản kêu gọi các hộ gia đình và các ngành công nghiệp quanh Thủ đô Tokyo tiết kiệm điện trong tháng 7 và tháng 8.
Tương tự, Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) cũng đặt mục tiêu mỗi gia đình phải tiết kiệm được 1kWh/ngày, thông qua việc hạ công suất điều hòa, tắt đèn, mặc đồ thoáng mát… Trung Quốc thậm chí lần đầu tiên phải diễn tập khẩn cấp đối phó mất điện diện rộng, trong bối cảnh Bắc Kinh cảnh giác cao độ về khả năng thiếu điện có thể làm tê liệt hoạt động sản xuất của nước này.
Những nỗ lực "cứu vãn tình thế" là khó tránh, trong bối cảnh nắng nóng đến sớm hơn thường lệ, nhiều quốc gia đã ghi nhận nhiệt độ vượt ngưỡng 40 độ C từ cuối tháng 4. Tại Trung Quốc, Thủ đô Bắc Kinh trong tuần này chạm mốc nhiệt 41,1 độ C, cao nhất trong hơn 62 năm. Thành phố Thượng Hải cũng chạm mốc nhiệt 36,1 độ C vào ngày 29-5, là ngày nóng nhất trong tháng 5 được ghi nhận trong 100 năm. Tại Nhật Bản, dù đang là mùa mưa nhưng nhiệt độ đã vượt ngưỡng 30 độ C, thậm chí đạt tới gần 36 độ tại tỉnh Gunma. Và nhiều địa phương ở Ấn Độ đã ghi nhận nhiệt độ lên tới 45,3 độ C.
Nền nhiệt cao khiến nhu cầu tiêu thụ điện tăng vọt, đè nặng lên năng lực cung ứng. Trong tháng 5-2023, mức tiêu thụ điện của Trung Quốc đã lên tới 722,2 tỷ kWh, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2022. Ở Thái Lan, nhiệt độ cao khiến nhu cầu tiêu thụ có thời điểm lên mức kỷ lục 35.000MW/ngày, cao hơn 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Thực trạng cầu vượt cung khiến hiện tượng mất điện, cắt điện đã xảy ra liên tục. Bangladesh, nhà sản xuất hàng may mặc lớn thứ hai thế giới, đã buộc phải cắt điện tới 114 ngày chỉ trong 5 tháng đầu năm 2023, cao hơn cả năm 2022. Nhằm bảo đảm nguồn cung, các đơn vị sản xuất điện trên khắp châu Á đã đưa ra nhiều giải pháp, nhưng vấp phải không ít khó khăn do nguồn nước cho thủy điện năm nay đặc biệt khan hiếm.
Trung Quốc yêu cầu các nhà máy điện dùng than và khí đốt dự phòng duy trì tình trạng sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu và lượng tiêu thụ tăng đột biến. Nền kinh tế số 1 châu Á thậm chí có kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than và thủy điện để bảo đảm nguồn cung dự phòng, dù điều này đặt ra nguy cơ về phát thải.
Trong khi đó, Ấn Độ đã phải tăng sản lượng than trong nước và tăng lượng lưu kho lên mức cao nhất kể từ sau đại dịch Covid-19. Nước này đồng thời gia hạn lệnh khẩn cấp buộc các nhà máy điện chạy bằng than nhập khẩu phải nâng tối đa công suất. Nhật Bản thậm chí đã phải khởi động lại chuỗi nhà máy điện hạt nhân bất chấp những tranh cãi.
Làn sóng triển khai các giải pháp điện "truyền thống" ồ ạt như trên khiến giới chuyên môn lo ngại có thể kéo lùi các nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, một thực tế là dù năng lượng xanh đang phát triển mạnh mẽ tại châu Á nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu điện. Không giống như thủy điện hay nhiệt điện, điện sản xuất từ mặt trời hay gió khó dự báo và kiểm soát, do đặc thù phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Nguồn năng lượng này cũng không thể tăng hoặc giảm để đáp ứng nhu cầu tăng giảm đột ngột.
Theo một số ước tính, chỉ tính riêng việc cải thiện mạng lưới truyền tải và phân phối ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương để ổn định và phù hợp với các công nghệ mới có thể sẽ tiêu tốn ít nhất 2.000 tỷ USD trong thập kỷ tới. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cảnh báo, nếu không có một lộ trình rõ ràng cho việc cải thiện hiệu suất truyền tải, sử dụng… mà chỉ tập trung vào gia tăng sản lượng điện, châu Á cũng như toàn cầu có thể rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn, bởi biến đổi khí hậu và nhu cầu năng lượng có mối liên hệ tác động qua lại với nhau.
"Bình ổn" dòng chảy điện phục vụ kinh tế và đời sống chắc chắn là một thử thách dài hơi đối với các quốc gia khu vực, đòi hỏi nhiều tính toán thận trọng. Tuy nhiên, mục tiêu trước mắt là tập trung mọi phương án ứng phó để tránh "lịch sử lặp lại" khi một cuộc khủng hoảng thiếu điện trầm trọng gây đình trệ hoạt động sản xuất và làm gián đoạn chuỗi cung ứng khu vực như trong năm 2022.