Không gian mới thưởng thức “Hoàng tử bé”
Tối 23 và 24-6 vừa qua, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, lần đầu tiên, chương trình âm nhạc “Hoàng tử bé” được công diễn tại Việt Nam, với sự tham gia sáng tạo, biểu diễn của các nghệ sĩ hàn lâm hàng đầu hai nước Việt Nam và Pháp. Lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học bán chạy nhất thế giới của nhà văn Pháp Antoine de Saint-Exupéry, chương trình mở ra một không gian mới thưởng thức tác phẩm huyền thoại này qua sự kết hợp giao hưởng, tranh vẽ, kể chuyện hiện đại, tươi sáng.
Tác phẩm “Hoàng tử bé” đã được dịch sang khoảng 542 ngôn ngữ và phương ngữ khác nhau trên toàn thế giới, trở thành cuốn sách được dịch nhiều thứ tiếng nhất sau Kinh Thánh và Kinh Koran. Đây cũng là cuốn sách “gối đầu giường” với nhiều thế hệ công chúng Việt Nam. “Hoàng tử bé” đã được chuyển thể thành nhiều loại hình nghệ thuật và truyền thông như các bản thu âm, phát thanh, truyện tranh, phim, truyền hình, ballet, opera, nhưng câu chuyện về chuyến phiêu lưu của chàng hoàng tử ở tiểu tinh cầu B.612 ra đời cách đây 80 năm vẫn luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo của nhiều thế hệ nghệ sĩ.
Nhà soạn nhạc, kiêm nhạc trưởng danh tiếng người Pháp Marc-Olivier Dupin đã gặp “tình yêu sét đánh” với tác phẩm “Hoàng tử bé” cũng như tác phẩm truyện tranh phái sinh cùng tên của Joann Sfar và sáng tác ra tác phẩm giao hưởng “Hoàng tử bé” trình diễn tại Việt Nam lần này. Marc-Olivier Dupin cho biết, ông đã đọc, nghiên cứu rất kỹ cả truyện gốc và những tác phẩm lấy cảm hứng từ đó.
“Hoàng tử bé” là một câu chuyện đặc sắc, nhỏ gọn mà đầy tính triết lý, đề cập một cách duyên dáng những câu hỏi lớn về nhân sinh như tình yêu, cái chết, định mệnh… “Tôi đã nhìn về cuộc sống, cái chết ở một chiều kích khác, không buồn, không sợ mà ở giác độ bình thản, thông thái”, nhà soạn nhạc Marc-Olivier Dupin chia sẻ.
Đây là lần đầu tiên tác phẩm được dàn dựng, biểu diễn tới công chúng Việt Nam, mà theo nhà soạn nhạc Marc-Olivier Dupin, đó là một phiên bản sáng tạo đặc biệt. Ông cho biết đã chọn lựa và khai thác một số đoạn trích trong truyện bằng cảm xúc, cố gắng tạo sự hòa quyện giữa văn học, âm nhạc, tranh vẽ truyền tải câu chuyện trong vòng một giờ, để phù hợp cả với khán giả nhỏ tuổi.
Chương trình trình diễn âm nhạc “Hoàng tử bé” do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức, Viện Pháp tại Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Lớn Hà Nội thực hiện, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp (1973-2023), đồng thời cũng là dịp kỷ niệm 80 năm phát hành cuốn sách “Hoàng tử bé” của nhà văn Antoine de Saint-Exupéry (1943-2023).
Điều đặc biệt ở chương trình biểu diễn này là có sự quy tụ của những nghệ sĩ hàng đầu hai quốc gia. Chính nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng Marc-Olivier Dupin trực tiếp chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam biểu diễn tác phẩm của mình. Qua một tuần tập luyện với các nghệ sĩ Việt Nam, vị nhạc trưởng người Pháp đánh giá, họ là những tài năng tuyệt vời.
Chương trình trình diễn âm nhạc “Hoàng tử bé” gồm 2 phần, trong đó, bản giao hưởng của Marc-Olivier Dupin thể hiện cùng dàn nhạc hòa quyện với giọng kể của ca sĩ, diễn viên kịch Hứa Thanh Tú và những hình ảnh đầy biểu cảm của họa sĩ truyện tranh Joann Sfar, đưa khán giả Việt Nam chiêm nghiệm đầy mới mẻ câu chuyện thơ mộng, giàu triết lý.
Bên cạnh tác phẩm âm nhạc “Hoàng tử bé”, trong phần đầu chương trình, khán giả còn được thưởng thức tiếng đàn violon của Nghệ sĩ ưu tú Bùi Công Duy, do nhạc trưởng Honna Tetsuji dẫn dắt cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Các nghệ sĩ đã trình diễn thăng hoa bài dân ca “Se chỉ luồn kim” với phần chuyển soạn của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng và 2 tác phẩm kinh điển của Pháp “L'Introduction et Rondo capriccioso” cung la thứ, op.28 của Camille Saint-Saëns và “Khúc suy tưởng” trích từ vở opera “Thaïs” của Jules Massenet.
Không chỉ là hoạt động văn hóa quan trọng đánh dấu quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Hải Vân chia sẻ, chương trình trình diễn âm nhạc “Hoàng tử bé” còn là cơ hội để công chúng Việt Nam được thưởng thức một tác phẩm văn học kinh điển được thể hiện đầy sáng tạo.