Làm rõ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, sáng 24-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Nhiệm vụ quá nặng nề
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, ngày 20-6 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận tại tổ với 125 lượt ý kiến tham gia. Trong đó, 80/125 ý kiến nhất trí ban hành luật.
Tuy nhiên, một số ý kiến còn băn khoăn việc thành lập lực lượng này, thay vào đó chỉ cần tăng cường chế độ, chính sách đối với lực lượng đã có để tránh phát sinh tổ chức, biên chế, kinh phí.
Một số ý kiến khác đề nghị làm rõ hơn về sự cần thiết ban hành luật và đánh giá kỹ hơn tác động về tổ chức, biên chế và nguồn lực.
Về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, có hơn 40 ý kiến còn băn khoăn, cho rằng: Quy định của dự thảo Luật về nhiệm vụ với lực lượng này là quá nặng, vì để hoàn thành, phải có trình độ, kiến thức pháp luật nhất định, kinh nghiệm thực tế trong khi tiêu chuẩn tuyển chọn lực lượng này chưa thể đáp ứng yêu cầu.
Nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định nhiệm vụ của lực lượng này rõ ràng, cụ thể, phù hợp với vị trí, chức năng, tính chất của lực lượng hỗ trợ, lực lượng làm nòng cốt.
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Đoàn Ninh Thuận) cho rằng, việc thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là hết sức cần thiết. “Tuy nhiên, cần xác định đây chỉ là lực lượng hỗ trợ công an xã chính quy. Do đó, các quy định về chính sách hỗ trợ trong dự thảo luật cần phù hợp với tính chất của lực lượng này”, đại biểu nêu ý kiến, đồng thời, đề nghị nghiên cứu quy định độ tuổi tối đa của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là 65.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) nêu vấn đề, với chức năng tham gia hỗ trợ lực lượng công an trong bảo vệ an ninh, trật tự thì quy định khi có vụ việc mất an ninh, trật tự, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở phải báo ngay cho lực lượng chức năng đến giải quyết là phù hợp. Vì thế, Ban soạn thảo cần rà soát để quy định theo hướng đúng chức năng, nhiệm vụ và đúng thẩm quyền.
Đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh) khẳng định lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết, tuy nhiên cần kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động.
Dự thảo Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chịu sự quản lý của UBND cấp xã và chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra chuyên môn nghiệp vụ của công an xã. Theo đại biểu, công an xã sẽ khó có thể chỉ đạo có hiệu quả, do vậy, cần quy định UBND cấp xã quản lý chỉ đạo hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị, Ban soạn thảo xây dựng Luật cần hướng đến mục tiêu bảo đảm phát huy vai trò của quần chúng nhân dân tham gia phong trào bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, Luật phải tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị ở địa phương.
Huy động lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ trật tự ở cơ sở
Tại phiên thảo luận, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu giải trình làm rõ các nội dung đại biểu quan tâm.
Về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Bộ trưởng cho biết, đa số ý kiến nhất trí quy định của dự thảo. Một số ý kiến đề nghị làm rõ hơn địa vị pháp lý, chức năng, vai trò, vị trí của lực lượng này và tham gia hỗ trợ, phối hợp, tiêu chuẩn, điều kiện, trình độ học vấn, độ tuổi của lực lượng để tham gia lực lượng này.
Về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, các ý kiến đều nhất trí với dự thảo. Một số đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát để đảm bảo cụ thể, rõ ràng hơn và phù hợp với vị trí, chức năng, trình độ, năng lực, số lượng mỗi xã, thôn, bản, ấp và cách thức lựa chọn lực lượng này, đảm bảo tính khả thi, tránh mâu thuẫn, chồng chéo với nhiệm vụ của công an xã, của các lực lượng khác tại địa bàn, cơ sở.
Chúng tôi xin tiếp thu và sẽ báo cáo Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, tổ chức khảo sát, thống kê, đánh giá toàn diện về thực trạng tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách, điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hiện nay và tác động của dự án luật đến các quan hệ xã hội có liên quan, qua đó đề xuất nội dung dự thảo luật đảm bảo tính khả thi - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, có 19 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Nhiều ý kiến có căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn rõ ràng, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm và tinh thần xây dựng cao của các đại biểu. Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo tổng hợp đầy đủ ý kiến để gửi đến các đại biểu và chuyển các cơ quan để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Ủy ban Thường vụ sẽ chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý, báo cáo cấp có thẩm quyền và thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định.