Sức khỏe

Nguy cơ ngộ độc từ các loại nấm rừng

Bảo Ngọc 24/06/2023 10:22

Nấm là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, dùng để chế biến được nhiều món ăn ngon. Tuy nhiên, thời gian gần đây, có không ít bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch, thậm chí tử vong do bị ngộ độc nấm rừng.

nam_doc-1676530206620.jpg
Nấm mũ đầu lâu mùa thu - một trong những loại nấm cực độc.

Hàng loạt ca cấp cứu vì nấm rừng

Chỉ trong 4 tháng qua, các địa phương ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc nấm, đa phần là do người dân hái nấm dại về sử dụng. Giữa tháng 6-2023, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã xảy ra 9 trường hợp ngộ độc thực phẩm nghi do ăn nấm rừng có độc, trong đó có một trường hợp tử vong. Trước đó, ngày 29-5, có đến 15 người thuộc 8 gia đình ở xã Sơn Điền, huyện Di Linh (Lâm Đồng) bị ngộ độc, phải nhập viện do ăn phải một loại nấm độc hái trên rừng. Sau khi ăn 30 phút, các bệnh nhân đều có triệu chứng tức ngực, nôn ói, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, co giật. Họ được chẩn đoán rối loạn tiêu hóa, nghi bị ngộ độc do độc tố của nấm rừng.

Tương tự, hồi cuối tháng 2, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị cho 2 bệnh nhân chẩn đoán ngộ độc nấm rừng. Đây là 2 bệnh nhân trong gia đình ở tỉnh Hòa Bình, gồm 8 người cùng ăn nấm và 6 người đã bị ngộ độc. Được biết, gia đình hái nấm rừng về nấu ăn, sau ăn khoảng 12 tiếng, 6 người xuất hiện dấu hiệu nôn, đau bụng, chóng mặt, tiêu chảy nhiều lần, liên tục.

Gia đình đưa các nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Mai Châu (Hòa Bình) rồi bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Sau đó, 2 trường hợp nặng được chuyển đến Trung tâm Chống độc. Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai, 2 bệnh nhân được chuyển đến trong tình trạng đau bụng, tiêu chảy rất nhiều, mất nước nặng, nhiễm toan chuyển hóa, viêm gan nặng. Nghiêm trọng hơn, có một bệnh nhân bị sốc giảm thể tích nặng, các dấu hiệu nhiễm toan, tổn thương gan, suy thận nặng hơn, lại có thêm tổn thương nhiều ở ruột, tụy, tim, rối loạn đông máu nặng, suy gan, suy thận, suy tim cấp. Bệnh nhân được điều trị tích cực, giải độc, điều trị sốc, thở máy, lọc máu liên tục, thay huyết tương... Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân này đã tử vong.

Khó phân biệt nấm độc hay không có độc

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, người dân tuyệt đối không nên hái nấm hoang dại ăn, kể cả nấm màu trắng, trông giống nấm thường bởi ngay cả các nhà khoa học vẫn có thể nhầm lẫn giữa nấm độc với nấm không độc. Lưu ý, người dân không ăn thử nấm, kể cả khi trước đây từng nhiều lần ăn các loại nấm trông giống như vậy và không bị sao.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ngộ độc nấm, các bác sĩ đã thấy nhiều trường hợp ngộ độc nấm vì hái nấm về ăn dựa theo kinh nghiệm truyền miệng, dù không rõ loại nấm đó có độc hay không.

Nhiều người cho rằng, nấm độc thường có màu sắc sặc sỡ. Tuy nhiên trên thực tế, loại nấm độc nhất, hay gây chết người lại trông trắng, vẻ lành tính, giống như nấm thường và ăn lại ngon. Người dân vùng nông thôn, miền núi xa xôi thường nói rằng, nếu thấy nấm đã bị côn trùng ăn thì người cũng ăn được. Song, điều này hoàn toàn sai lầm bởi trong thực tế, tất cả các loại nấm độc đều bị kiến, ốc sên, sâu bọ ăn.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, các loại nấm gây ngộ độc thường thuộc nhóm nấm mọc hoang dại. Loại nấm độc nhất, hay gây chết người nhất lại trông hấp dẫn nhất, ăn vào cũng ngon, khi bị ngộ độc không có biểu hiện ngay nên việc phát hiện thường muộn, bệnh nặng và nhiều người tử vong.

Biện pháp quan trọng nhất để phòng tránh ngộ độc nấm là không hái nấm mọc hoang dại để ăn. Người dân khi đi du lịch cũng nên tránh món ăn từ những loài nấm lạ. Sau khi mới ăn nấm, nếu có biểu hiện ngộ độc, trong trường hợp vẫn còn tỉnh táo thì cho bệnh nhân uống nước và tự gây nôn, sau đó khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu có than hoạt tính thì bệnh nhân nên uống ngay liều 1 gam/kg cân nặng (người lớn khoảng 40 - 50 gam); chú ý đưa cả những người cùng ăn nấm, dù chưa có biểu hiện, đến cơ sở y tế; mang mẫu nấm còn lại hoặc nấm đã chế biến đến cơ sở y tế để các bác sĩ xác định loại nấm (cần giữ các nấm này cẩn thận để mang tới các bệnh viện tuyến cuối cùng, nơi có điều kiện để giúp xác định nấm độc).

Điều đáng lo ngại là với loại nấm độc nhất thì biểu hiện ngộ độc lại xuất hiện chậm - sau ăn từ 6 giờ hoặc lâu hơn, khi đó chất độc đã đi sâu xuống ruột và vào máu, nên các biện pháp sơ cứu khó có tác dụng cần thiết. Với trường hợp này, người bệnh lúc đầu có nôn, tiêu chảy nên rất cần được nhanh chóng uống đủ nước oresol, nước canh, nước rau luộc, nước quả hoặc nước khoáng. Bệnh nhân cần khẩn trương tới cơ sở y tế gần nhất, sau đó nhanh chóng chuyển tới cơ sở y tế có điều kiện cấp cứu hồi sức và giải độc đầy đủ.