Văn hóa

Lan tỏa giá trị nghệ thuật múa rối nước

Nguyễn Thanh 24/06/2023 07:25

Là loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc, múa rối nước - từ trò chơi dân gian bình dị, trải qua hàng trăm năm hình thành, phát triển, đã trở thành một di sản văn hóa đậm đà bản sắc, luôn hiện hữu, song hành cùng đời sống đương đại.

Bằng tình yêu và nhiệt huyết không ngừng nghỉ, những cộng đồng nắm giữ di sản múa rối nước ở Hà Nội đã và đang tiếp tục hành trình sáng tạo, trao truyền, tìm hướng bảo tồn, lan tỏa giá trị di sản một cách phù hợp và hiệu quả nhất.

mot-tiet-muc-bieu-dien-tai-.jpg
Một tiết mục biểu diễn tại Liên hoan Nghệ thuật múa rối nước không chuyên Hà Nội - 2023. Ảnh: Đăng Khoa

Đa dạng cách quảng bá di sản

Liên hoan Nghệ thuật múa rối nước không chuyên Hà Nội - 2023 diễn ra tại Trung tâm Văn hóa thành phố (đường Phùng Hưng, quận Hà Đông) đã khép lại cuối tháng 5 vừa qua, song dư âm từ sự kiện văn hóa hấp dẫn và ý nghĩa này vẫn còn lưu lại trong lòng nhiều nghệ nhân và công chúng tham dự. Đây là hoạt động được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức thường niên, nhằm mục đích duy trì, phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các phường rối nước tại cơ sở, đồng thời tạo sân chơi lan tỏa giá trị nghệ thuật truyền thống, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

5 phường rối đại diện cho nhiều cộng đồng nắm giữ di sản múa rối nước trên địa bàn thành phố đã mang về liên hoan những tiết mục được dàn dựng công phu, nhiều tính sáng tạo.

Nghệ nhân ưu tú Phạm Công Bằng (phường rối Tế Tiêu, huyện Mỹ Đức) chia sẻ: “Liên hoan là ngày hội của những người làm rối khi về đây chúng tôi được thi đua tài năng, thể hiện thành quả trong bảo tồn di sản, đồng thời là cơ hội giao lưu học hỏi kinh nghiệm, hướng đi mới để bảo vệ, quảng bá ngày càng hiệu quả hơn cho di sản. Để chuẩn bị cho liên hoan, chúng tôi đã không quản ngày đêm bảo dưỡng, gia cố quân trò; luyện tích trò mới, nhằm mang đến phần trình diễn thành công nhất”.

Đón xem không sót đêm trình diễn nào của Liên hoan Nghệ thuật múa rối nước không chuyên Hà Nội - 2023, bà Hoàng Thị Nga (ở đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân) cho biết, bà rất yêu thích bộ môn nghệ thuật múa rối nước của dân tộc và muốn lan tỏa điều này nhiều hơn tới người thân. “3 đêm diễn của liên hoan tôi đều rủ con cháu đến xem cùng, qua đó để các cháu hiểu, yêu thêm những sáng tạo quý báu của cha ông”, bà Hoàng Thị Nga nói.

Tạo sức sống trường tồn cho di sản

Là đất kinh kỳ đô hội xưa, Thăng Long - Hà Nội là một trong những “cái nôi” của nghệ thuật rối nước truyền thống Việt Nam, với rất nhiều cái tên vang danh, như các phường rối nước Đào Thục, Bình Phú, Chàng Sơn, Tế Tiêu, Thạch Xá… Trải qua hàng trăm năm bảo vệ, trao truyền, phát huy giá trị, múa rối nước Hà Nội tiếp tục được tìm tòi những hướng đi mới, phát triển và lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc tự ngàn đời của cha ông ta.

Chẳng hạn như phường rối nước Đào Thục, nhiều năm nay nổi lên là địa chỉ văn hóa truyền thống hấp dẫn, thu hút đông đảo nhân dân và khách tham quan trong, ngoài nước. Trưởng phường rối nước Đào Thục Nguyễn Thế Nghị cho biết, để bắt kịp "hơi thở" của thời đại gắn với nghệ thuật truyền thống, phường rối nước Đào Thục đã đổi mới nội dung bằng những kịch bản, như: Hà Nội 12 ngày đêm, Sự tích Loa thành, Chiếu dời đô... Phường cũng nỗ lực kết hợp với các công ty du lịch xây dựng tour tuyến tham quan, trải nghiệm nghệ thuật truyền thống, chủ động tiếp cận với các cơ quan truyền thông để thông tin, quảng bá về sản phẩm mới của làng nghề.

Cũng theo ông Nguyễn Thế Nghị, bên cạnh việc nâng cao chất lượng phục vụ, biểu diễn nhằm đáp ứng nhu cầu của khán giả và du khách, các phường rối có thể khai thác các đặc sản của địa phương, trò chơi văn hóa dân gian… để phục vụ trải nghiệm; chú trọng đào tạo, thu hút các lớp nghệ nhân trẻ có năng lực, trình độ để có lực lượng kế cận nghề, đồng thời đề xuất thành phố phát triển các tuyến xe buýt, đầu tư cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu du lịch, tìm hiểu văn hóa truyền thống của học sinh, sinh viên trong nước và khách quốc tế.

Còn Nghệ nhân ưu tú Phạm Công Bằng thông tin, huyện Mỹ Đức đã có kế hoạch cải tạo cơ sở hạ tầng không gian trình diễn rối nước ở làng nhằm tạo điểm đến du lịch di sản chuyên nghiệp, hấp dẫn hơn với tổng kinh phí 10 tỷ đồng. Ở đó, rối nước Tế Tiêu là trung tâm với đa dạng hoạt động, từ tìm hiểu lịch sử, tham quan không gian văn hóa rối nước, trải nghiệm tạo hình quân trò, thưởng thức nghệ thuật múa rối và ẩm thực địa phương…

Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội Lý Thị Thúy Hạnh cho biết, nhiều năm qua, ngành Văn hóa Hà Nội đã luôn đồng hành với các cộng đồng nắm giữ di sản văn hóa, trong đó có di sản rối nước, thông qua những hoạt động tôn vinh nghệ nhân, hỗ trợ truyền nghề, tạo không gian diễn xướng, kết nối hoạt động tham quan, du lịch… Liên hoan Nghệ thuật múa rối nước không chuyên Hà Nội chính là một hoạt động như thế, có tác dụng khích lệ, động viên các phường rối tiếp tục tìm tòi, sáng tạo những phương thức hiệu quả, phù hợp để tạo sức sống trường tồn cho di sản.