Nhiều điểm mới trong Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
Việc thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả ngành, lĩnh vực.
Ngày 22-6, tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa xv đã biểu quyết thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024
Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024, gồm 7 chương, 54 điều, trong đó các nội dung sửa đổi, bổ sung bám theo 9 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP.
Theo đó, Luật sửa đổi có một số điểm mới so với luật hiện hành như: Chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu; giá trị pháp lý của chứng thư điện tử; chuyển nhượng chứng thư điện tử; yêu cầu đối với lưu trữ, xử lý chứng thư điện tử; chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy…
Về trách nhiệm quản lý nhà nước trong giao dịch điện tử, Luật quy định Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chữ ký số theo quy định của pháp luật.
6 chính sách mới đáng chú ý
Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1) quy định: Luật này quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử; Luật này không quy định về nội dung, điều kiện, hình thức của giao dịch; Trường hợp luật khác quy định hoặc không quy định giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử thì được áp dụng theo quy định của Luật này. Trường hợp luật khác quy định không được thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử thì thực hiện theo quy định của luật đó.
Quy định trên cho thấy, luật nào trước đây chưa quy định giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử thì được áp dụng theo quy định của Luật Giao dịch điện tử. Giao dịch điện tử có giá trị tương đương và có thể sử dụng thay thế giao dịch truyền thống. Các cơ quan, tổ chức ko thể viện dẫn việc chưa có quy định để từ chối giá trị pháp lý của giao dịch điện tử.
Giao dịch điện tử toàn trình, tối ưu hóa, rút ngắn thời gian xử lý, thuận tiện hơn và có thể sử dụng thay thế giao dịch truyền thống. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để khắc phục tình trạng giao dịch điện tử phức tạp hơn, lâu hơn, đắt đỏ hơn và vẫn phải thực hiện song song cả 2 hình thức, làm chậm tiến trình chuyển đổi số. Quy định về chuyển đổi giữa giấy và điện tử thông suốt, không rào cản.
Dịch vụ tin cậy lần đầu tiên đưa vào Luật đóng vai trò tạo niềm tin thúc đẩy giao dịch điện tử. Chứng thư điện tử lần đầu tiên đưa vào Luật để đại diện chung cho tất cả các loại giấy phép, văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận... giúp giải quyết điểm vướng mắc lớn nhất trong dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đó là kết quả giải quyết thủ tục hành chính bằng điện tử.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thực hiện hợp đồng điện tử, đưa ra cơ sở pháp lý để bộ trưởng các bộ có thể ban hành theo thẩm quyền quy định về hợp đồng điện tử trong ngành, lĩnh vực của mình. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có thể ban hành Thông tư về hợp đồng lao động điện tử; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có thể ban hành Thông tư về hợp đồng du lịch điện tử...
Luật hóa vai trò của các nền tảng số quốc gia, là công cụ điều phối quan trọng của Bộ Thông tin và Truyền thông, là nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, khung kiến trúc. Trước đây, chúng ta chưa có cơ sở pháp lý gì cho hoạt động này.
Luật hóa việc cơ quan nhà nước được thuê chuyên gia từ ngân sách nhà nước hằng năm (kinh phí sự nghiệp) để thuê tư vấn xây dựng cơ sở dữ liệu; thực hiện các hoạt động chuyên môn kỹ thuật về quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước. Bước đầu tháo gỡ khó khăn về việc sử dụng kinh phí sự nghiệp cho công tác duy trì, vận hành hạ tầng thông tin.
Chính sách chia sẻ dữ liệu, giám sát, kiểm tra, thanh tra trực tuyến. Đặt cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý nhà nước sử dụng dữ liệu lớn thay vì quản lý nhà nước theo cách truyền thống. Đặc biệt là công tác chia sẻ dữ liệu, giám sát các hạ tầng thông tin phục vụ giao dịch điện tử.
Với những nội dung như vậy, Luật này có thể coi là đạo luật cơ bản về chuyển đổi số. Việc thực thi Luật này sẽ tạo cơ sở thực tiễn để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Luật Chuyển đổi số ở giai đoạn sau.