Cần đòn bẩy pháp lý tiếp sức cho hàng không Việt Nam phát triển
Trong vòng 10 năm gần đây, ngành Hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng vượt trội so với các ngành khác và xuất hiện thêm nhiều hãng bay mới. Lợi thế dân số đông cùng sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu, xu hướng hội nhập giao thương quốc tế và cơ sở sản xuất lớn mạnh là những yếu tố then chốt đảm bảo sự phát triển vững chắc của ngành hàng không Việt Nam.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” được Thủ tướng Chính phủ phát động, ngày 23-6, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng hàng không” với sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia về hạ tầng hàng không nhằm phân tích, đánh giá cơ chế tiếp sức cho hàng không Việt Nam phục hồi, phát triển.
Các đánh giá cho thấy, trong vòng 10 năm gần đây, ngành Hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng vượt trội so với các ngành khác và xuất hiện thêm nhiều hãng bay mới. Lợi thế dân số đông cùng với sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu, xu hướng hội nhập giao thương quốc tế và cơ sở sản xuất lớn mạnh là những yếu tố then chốt đảm bảo sự phát triển vững chắc của ngành Hàng không Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, Việt Nam đang khai thác 22 cảng hàng không, trong đó có 21 cảng hàng không do doanh nghiệp nhà nước là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam quản lý và có 1 cảng hàng không chúng ta đã kêu gọi, huy động xã hội đầu tư theo hình thức PPP là Cảng hàng không Vân Đồn, Quảng Ninh.
Tốc độ phát triển rất nhanh của vận tải hàng không đã gây áp lực lên kết cấu hạ tầng cảng hàng không, chủ yếu vào các cảng hàng không đầu mối lớn của cả nước, cụ thể là Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng…
“Giai đoạn 2011-2019, kết quả đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không Việt Nam đạt được công suất thiết kế cho các cảng hàng không là 95 triệu lượt hành khách/năm. Trong khi thực tế thời điểm cao nhất trước Covid-19 năm 2019, sản lượng thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt 116,5 triệu hành khách/năm. Như vậy là đã vượt khoảng 20 triệu lượt khách thông qua hệ thống cảng hàng không Việt Nam", ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải cho biết.
Với mục tiêu giao thông phải đi trước 1 bước, mới có thể khơi thông các nguồn lực phát triển kinh tế, du lịch, thu hút đầu tư, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên của Việt Nam tổ chức thu hút đầu tư 1 sân bay do tư nhân làm theo hình thức BOT, đó là Sân bay Quốc tế Vân Đồn và Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy khẳng định, việc đầu tư sân bay song song với nhiều hạng mục hạ tầng giao thông khác giúp Quảng Ninh đi tắt đón đầu, kết nối liên vùng đến tất cả các địa phương ở trong khu vực. Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng để phát triển tỉnh Quảng Ninh. Trong 7 năm liên tiếp, Quảng Ninh đạt được tăng trưởng GRDP 2 con số. Tổng mức đầu tư từ năm 2021 đến nay thu hút được khoảng 430 nghìn tỷ đồng, FDI thu hút được 3,61 tỷ USD, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp nhà nước và ngân sách trung ương cho lĩnh vực giao thông, cho phát triển kết cấu hạ tầng hàng không có hạn, các khách mời tham gia tọa đàm cho rằng, từ kinh nghiệm của Quảng Ninh, có thể giải quyết vấn đề cơ sở hạ tầng nếu thu hút được đầu tư của tư nhân, đẩy nhanh việc hoàn thiện các thủ tục, hành lang pháp lý để triển khai đầu tư vào hạ tầng sân bay.
Chính sách của nước ta nhiều luật điều tiết, một trong những nhiệm vụ của Bộ Giao thông Vận tải là tổng hợp, phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết những vướng mắc, nút thắt về chính sách để từng bước rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng, khơi thông các nguồn lực, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ nhà đầu tư.