Gỡ vướng cho đấu thầu mua thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế
Tại kỳ họp thứ năm diễn ra trong phiên làm việc sáng 23-6, Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2024. Điểm nổi bật là Luật góp phần tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Giảm một số trường hợp chỉ định thầu
Ông Lê Quang Mạnh cho biết, dự thảo Luật sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội gồm 10 chương, 96 điều (giữ nguyên số chương và giảm 3 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội đầu kỳ họp thứ năm).
Về lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Luật Đất đai hiện hành và dự thảo Luật Đất đai đang sửa đổi không quy định việc đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư áp dụng đối với các dự án đầu tư có liên quan đến an ninh, quốc phòng. Việc quy định về nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt tại dự thảo Luật Đấu thầu là chưa thống nhất với dự thảo của Luật Đất đai; dự thảo Luật hiện còn nhiều yếu tố không bảo đảm tính minh bạch, chưa rõ ràng về quy trình, thủ tục, tiềm ẩn nguy cơ có thể bị lợi dụng chính sách, đặc biệt đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất để kinh doanh thương mại; hơn nữa đến nay chưa có tiền lệ áp dụng cơ chế này. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu bỏ quy định về lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt tại khoản 3 Điều 34 của dự thảo Luật.
Liên quan đến quy định đấu thầu tập trung, mua thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, đã rà soát, thống nhất về thuật ngữ sử dụng trong Luật; thống nhất quy định về mua sắm tập trung đối với mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít; rà soát quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, thiết bị y tế. Đồng thời, tiếp thu, bổ sung quy định về thanh toán từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế trong trường hợp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân không chọn áp dụng quy định của Luật Đấu thầu. Chỉnh lý quy định về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình; chỉnh lý quy định về ưu đãi trong mua thuốc.
Đối với các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý dự thảo Luật, thể hiện 9 nhóm hành vi và chỉnh lý các nội dung cụ thể tại Điều 16. Bổ sung thêm mục đích của hành vi trong quy định cấm hành vi thông thầu; bổ sung quy định cấm hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng nhằm can thiệp, cản trở việc đấu thầu qua mạng.
Về hình thức chỉ định thầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát, chỉnh lý theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu. Bên cạnh đó, rà soát, bổ sung Điều 23 của dự thảo Luật chỉnh lý, luật hóa một số trường hợp lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đã được quy định tại Quyết định số 17/2019 của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng hình thức chỉ định thầu. Liên quan đến giá gói thầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung quy định “Chính phủ quy định chi tiết về nội dung giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu” tại khoản 2 Điều 39 của dự thảo Luật.
5 nhóm chính sách nổi bật của Luật Đấu thầu (sửa đổi):
Một là, nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm xác định rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu.
Hai là, nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu.
Ba là, nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu.
Bốn là, nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện chính sách đấu thầu mua sắm hàng hóa trong nước, sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm "xanh", mua sắm sản phẩm, dịch vụ được cung cấp bởi nhóm lao động yếu thế nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Năm là, nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu.