Du lịch

Quảng bá du lịch qua phim ảnh: Tiềm năng lớn, khai thác... nhỏ

Hoàng Lân 23/06/2023 - 06:36

Rất nhiều điểm du lịch của Việt Nam được du khách trong và ngoài nước biết đến thông qua các bộ phim truyền hình và điện ảnh. Điều đó cho thấy, phim ảnh có sức mạnh quảng bá hiệu quả đối với du lịch, đồng thời có thể tạo nên nhiều giá trị để tăng nguồn thu cho địa phương. Tuy nhiên, hiện nay việc đưa các điểm du lịch lên phim ảnh vẫn chưa được khai thác hiệu quả, cần tháo điểm nghẽn, hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp.

phim.jpg
Bộ phim “A tourist’s guide to love” (Bí kíp tình yêu của một du khách) giới thiệu nhiều nét văn hóa và cảnh đẹp của Việt Nam.

Điện ảnh tăng sức hút cho du lịch

Khi bộ phim “A tourist’s guide to love” (Bí kíp tình yêu của một du khách) - phim đầu tiên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép sau đại dịch Covid-19 chiếu trên Netflix vào tháng 5-2023 gây sốt tại Việt Nam và nhiều quốc gia, đã thổi làn gió mới cho hoạt động quảng bá du lịch sau đại dịch.

Cùng với những thước phim sống động, bộ phim còn tái hiện vẻ đẹp của hàng loạt danh thắng của Việt Nam như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hội An, Mỹ Sơn (Quảng Nam), Đà Nẵng và Hà Giang. Chỉ trình chiếu trong thời gian ngắn, phim vào tốp 10 ở 78 thị trường tại châu Âu, châu Phi, châu Á và châu Đại Dương. Nhiều du khách quốc tế đã bày tỏ trên mạng xã hội rằng, khi xem bộ phim này, họ muốn được đến Việt Nam.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu cho biết, bộ phim đã mang đến giá trị lớn trong quảng bá du lịch Việt Nam, đặc biệt là sau đại dịch khi mà xu hướng du lịch của khách quốc tế đã thay đổi.

Trước bộ phim “A tourist’s guide to love”, nhiều địa danh Việt Nam hấp dẫn du khách thông qua những bộ phim điện ảnh đình đám. Điển hình như Ninh Bình tăng thêm sức hấp dẫn với khách quốc tế từ sau bộ phim “Kong - đảo Đầu Lâu” của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts vào năm 2017. Hay bộ phim “Người tình”, “Người Mỹ trầm lặng” mang đến sức quảng bá lớn đối với các điểm du lịch vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Đồng Tháp, thành phố Hồ Chí Minh, Hội An (Quảng Nam).

Không chỉ có những bộ phim mang dấu ấn Hollywood tạo hiệu quả trong quảng bá du lịch, nhiều bộ phim điện ảnh Việt Nam sau khi trình chiếu đã tăng sức hút lớn cho các điểm đến. Chẳng hạn như bộ phim “Mùa len trâu”, “Cánh đồng bất tận” khiến lượng khách đến miền Tây tăng đáng kể. Hà Giang tạo được sức hút lớn với du khách sau bộ phim "Chuyện của Pao" (đạo diễn Đỗ Quang Hải). Du lịch Phú Yên tăng doanh thu từ 13% lên 30% sau khi những cảnh sắc tuyệt đẹp xuất hiện trong bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" (đạo diễn Victor Vũ)...

Đánh giá về hiệu quả truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam qua phim ảnh, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cho rằng, du lịch hưởng lợi nhiều từ hoạt động quảng bá trên phim ảnh.

Tạo cơ chế, thu hút đầu tư

Mặc dù mang lại hiệu quả cao trong hoạt động quảng bá du lịch nhưng các chuyên gia nhận định điện ảnh và du lịch vẫn chưa thật sự song hành để tạo được hiệu quả bền vững trong chiến lược quảng bá. Nhiều điểm du lịch sau khi quảng bá trên phim không duy trì được sức hút vì nhiều lý do. Nhiều phim trường không khai thác được thành điểm đến để hút khách.

Tại Hội nghị quốc tế về xúc tiến đầu tư phát triển thương hiệu du lịch qua điện ảnh 2023 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thẳng thắn thừa nhận, dù là quốc gia có cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa đa dạng, nhưng so với nhiều quốc gia trong khu vực, Việt Nam vẫn chưa thu hút được nhiều đoàn làm phim nước ngoài. Việc quảng bá các điểm đến thông qua tác phẩm điện ảnh vẫn dừng lại ở một vài ví dụ nhỏ lẻ, chưa thực sự khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Nhằm tìm ra giải pháp để hoạt động quảng bá du lịch trên phim ảnh hiệu quả hơn, bà Đinh Thị Thanh Hương, Chủ tịch Điều hành Galaxy Studio cho rằng, cần cải thiện thủ tục hành chính, đặc biệt là vấn đề xin cấp phép cho các đoàn làm phim để hoạt động quảng bá hiệu quả hơn.

Trong khi đó, đạo diễn Aron Toronto (Mỹ) đề xuất, từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia khác, Việt Nam cần lập Quỹ phát triển điện ảnh quốc gia, kêu gọi sự tham gia của các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư sản xuất phim, các địa phương cũng nên có sự hỗ trợ cho các đoàn làm phim...

Ở góc độ du lịch, Giám đốc Công ty Lữ hành Hoàng Minh Vũ Quỳnh Anh cho rằng, các địa phương nên có chiến lược đầu tư về dịch vụ cho những phim trường để khai thác hiệu quả thành điểm đến du lịch mới.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị, thời gian tới, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và đơn vị có liên quan đẩy mạnh hợp tác gắn điện ảnh với quảng bá du lịch; cần giải quyết và tháo gỡ những điểm nghẽn, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phù hợp để tạo sức hút cho các nhà đầu tư; phối hợp giữa địa phương, doanh nghiệp du lịch và các đoàn làm phim để khai thác hiệu quả du lịch từ điện ảnh.