Giáo dục

Coi thi rõ người, kín việc để phòng ngừa gian lận

Thống Nhất 22/06/2023 - 16:02

Với hơn 102.000 thí sinh, thành phố Hà Nội có số lượng thí sinh nhiều nhất trong các địa phương, chiếm hơn 1/10 trong tổng số thí sinh cả nước đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Điều này đòi hỏi khâu coi thi cần được thực hiện thật nghiêm túc, chặt chẽ, rõ người, kín việc để phòng ngừa gian lận.

Tại hội nghị hướng dẫn công tác coi thi diễn ra ngày 22-6, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhấn mạnh yêu cầu tăng cường giám sát, nâng cao trách nhiệm của cán bộ coi thi để bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, kết quả thi phản ánh đúng chất lượng học tập.

Tăng giám sát, không để lộ, lọt đề thi

Thời điểm này, công tác in sao đề thi đang được thành phố Hà Nội triển khai theo tiến độ và bảo đảm đáp ứng các yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu lãnh đạo 189 điểm thi xác định, việc chuẩn bị kỹ càng, toàn diện là yếu tố quan trọng để kỳ thi diễn ra an toàn. Trong đó, việc tăng cường giám sát để bảo vệ tuyệt đối an toàn và bảo mật cho đề thi, từ khâu giao - nhận đề đến khâu bảo quản tại điểm thi trong suốt thời gian thi.

22-6-kiem-tra-csvc.jpg
Kiểm tra cơ sở vật chất địa điểm tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023. 

Sở Giáo dục và Đào tạo đã điều động gần 15.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia coi thi tại các điểm thi. Tại các điểm thi còn có gần 600 thanh tra cắm chốt làm nhiệm vụ giám sát nhằm tăng cường việc bảo đảm an ninh an toàn cho khâu coi thi. Phương án bố trí thanh tra cắm chốt tại các điểm thi được duy trì như tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10, theo nguyên tắc điểm thi dưới 20 phòng thi có 2 thanh tra; từ 20-30 phòng thi là 3 thanh tra; từ 31-40 phòng thi là 4 thanh tra...

Đối với các điểm thi có phòng thi phân tán, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ bổ sung lực lượng cán bộ giám sát. Thời điểm này, có 3 điểm thi đã được bổ sung cán bộ giám sát. Từ nay tới trước ngày thi, các đơn vị sẽ tiếp tục kiểm tra và có phương án bổ sung nếu cần thiết.

Với kỳ thi có ý nghĩa quan trọng, kết quả kỳ thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa để xét tuyển vào đại học, việc ngăn ngừa các nguy cơ gian lận được đặt lên hàng đầu.

Nhấn mạnh về việc đề thi thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “tối mật”, Thượng tá Ngô Xuân Hải, Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an thành phố Hà Nội) lưu ý lãnh đạo cán bộ, giáo viên coi thi đặc biệt lưu ý khâu bảo quản đề thi.

Cũng theo Thượng tá Ngô Xuân Hải, hiện có nhiều thiết bị có thể được sử dụng để gian lận trong kỳ thi có kích thước siêu nhỏ, không dây, khó phát hiện. Các thiết bị này có thể truyền thông tin ra ngoài và nhận thông tin từ ngoài vào, thường được cất giấu ở cổ áo, tai hoặc được ngụy trang dưới nhiều hình thức. Cán bộ coi thi cần lưu ý ở khâu nhận diện thí sinh khi gọi vào phòng thi và giám sát chặt chẽ trong suốt quá trình coi thi, kịp thời phát hiện thí sinh có biểu hiện bất thường để có phương án xử lý...

Yêu cầu “ba không” để tổ chức thi an toàn

22-6-tran-the-cuong.jpg
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại hội nghị.

Trong 189 điểm thi tốt nghiệp, có 152 điểm thi đã được sử dụng trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và 37 điểm thi mới. Đây là một thuận lợi lớn, song theo yêu cầu của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, các nhà trường tuyệt đối không được chủ quan. Các điểm thi vừa tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 cần rút kinh nghiệm để tổ chức tốt hơn kỳ thi sắp tới, còn các điểm thi mới cần tập trung thực hiện nghiêm túc quy chế, bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn. Từng cán bộ, giáo viên cũng không được chủ quan, kể cả những người đã đi làm thi nhiều lần.

Để tổ chức kỳ thi an toàn và bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho thí sinh, ông Trần Thế Cương yêu cầu 189 cán bộ làm trưởng điểm thi, khi nhận bàn giao cơ sở vật chất phải kiểm tra, rà soát kỹ, xây dựng kế hoạch cụ thể, trong đó có tính đến phương án dự phòng để chủ động xử lý nhanh, hiệu quả, đúng quy chế với các trường hợp phát sinh.

“Trưởng điểm thi chịu trách nhiệm trước Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp trung học phổ thông thành phố về việc tổ chức kỳ thi tại điểm thi mình phụ trách. Sở yêu cầu các trưởng điểm thi thực hiện “ba không”: Không lơ là chủ quan, không tự ý xử lý các tình huống bất thường và không gây căng thẳng, áp lực quá mức”, ông Trần Thế Cương nhấn mạnh.

Nêu lại việc 6 thí sinh vi phạm quy chế thi do mang điện thoại, tài liệu vào phòng thi trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua, ông Trần Thế Cương yêu cầu các trưởng điểm thi lưu ý quán triệt tất cả cán bộ coi thi thường xuyên nhắc nhở thí sinh lưu ý thực hiện đúng quy chế thi, đặc biệt là việc không được mang theo điện thoại vào phòng thi.

Giải đáp câu hỏi về thời điểm thí sinh được ra khỏi phòng thi, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài môn thi tự luận. Tuy nhiên, thí sinh không được ra khỏi phòng thi mà ở tại phòng chờ. Đây là điều các nhà trường cần thông tin rõ tới thí sinh để nắm rõ, tuân thủ, tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến kỳ thi.

Liên quan đến việc hỗ trợ các thí sinh có vấn đề về sức khỏe, Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định không cấm thí sinh mang theo thiết bị hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. Các điểm thi bảo đảm phương án hỗ trợ tối đa để thí sinh làm bài thi tốt nhất, đồng thời bảo đảm đúng quy chế thi.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 sẽ diễn ra vào ngày 28 và 29-6 tại 189 điểm thi trên địa bàn thành phố Hà Nội với sự tham gia của hơn 102.000 thí sinh. Kỳ thi có 5 bài thi, trong đó có 3 bài thi độc lập gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ; 2 bài thi tổ hợp là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Thí sinh đăng ký dự thi 1 trong 2 bài thi tổ hợp này.

14h ngày 27-6, thí sinh đến điểm thi làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót (nếu có) và nghe phổ biến quy chế thi, lịch thi.