Văn hóa

Báo chí là “mũi nhọn” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Hoàng Lân 22/06/2023 - 14:18

Ngày 22-6, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Báo chí, dư luận xã hội và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay”. 

Với hơn 70 bài tham luận cùng những ý kiến đóng góp trực tiếp, hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề: Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về vai trò, tác động của báo chí, dư luận xã hội với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta; tình trạng báo chí, dư luận xã hội với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; đề xuất giải pháp nhằm phát huy hiệu quả vai trò của báo chí, dư luận xã hội với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

8.jpg
Quang cảnh hội  thảo. Ảnh: Hoàng Lân

Theo PGS, TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được khẳng định trong các nghị quyết, văn kiện của Ðảng, nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí và nhà báo trong phòng, chống tham nhũng tại Ðiều 75. Còn tại Ðiều 4 của Luật Báo chí năm 2016 nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí, trong đó có nhiệm vụ "Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội".

PGS.TS Phạm Kim Sơn cũng cho rằng, vai trò trực tiếp tấn công vào "giặc tham nhũng" của báo chí đặc biệt quan trọng, nổi trội, giúp cho báo chí thực sự là một trong những "mũi nhọn" trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.

Còn theo Tiến sĩ Lê Thị Thu Hằng (Ban Tổ chức Trung ương), những năm qua, các phương tiện truyền thông đại chúng nói chung và báo chí nói riêng đã chủ động tham gia giám sát và phản biện xã hội, đóng góp tích cực vào việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác các luận điệu thù địch, sai trái... Trong phòng, chống tham nhũng, báo chí giữ vai trò là chủ thể khơi nguồn phản biện xã hội mạnh mẽ nhất. Phần lớn các sự kiện, hiện tượng tham nhũng mà báo chí nêu ra đã tạo áp lực cũng như cơ hội, điều kiện cho các cơ quan chức năng tham gia phòng, chống tham nhũng.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng nêu nhiều vấn đề còn bất cập tồn tại của hoạt động báo chí trong công tác phòng, chống tiêu cực. Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng, công cụ pháp lý để bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp còn lỏng lẻo, đặc biệt là khi báo chí “động” vào những vấn đề nóng như phản ánh các sai trái, tiêu cực. “Gần đây vẫn xảy ra những vụ việc nhà báo bị ngăn cản, uy hiếp khi tác nghiệp, thậm chí bị đe dọa đến tính mạng”, nhà báo Hồ Quang Lợi nêu.

Từ những thực tế trên, nhà báo Hồ Quang Lợi đề xuất, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách để có cơ chế tạo điều kiện cho nhà báo tác nghiệp đúng luật, thuận lợi, an toàn; đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn với các bộ, ngành, đơn vị liên quan kịp thời động viên, khen thưởng các nhà báo tích cực theo dõi, thực hiện các tác phẩm về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng…

Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Vũ Văn Tiến, Trưởng ban Tuyên giáo cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, các cơ quan có trách nhiệm, nhất là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực cần chủ động tổ chức các cuộc gặp gỡ với các cơ quan báo chí để trao đổi, đánh giá kết quả báo chí đấu tranh chống tham nhũng.

Ngoài ra, Tiến sĩ Vũ Văn Tiến cũng đề nghị, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các cơ quan báo chí cần xây dựng những địa chỉ tin cậy tiếp nhận thông tin như các số điện thoại đường dây nóng, tiếp nhận qua thư điện tử và các phương thức giao tiếp trực tuyến để người dân có thể nhanh chóng cung cấp thông tin.