Siết chặt kỷ luật, kỷ cương - nhiệm vụ phải làm ngay
Thực tiễn kết quả công tác và tình hình khó khăn trong và ngoài nước đang đòi hỏi hơn bao giờ hết, các cấp, các ngành từ Trung ương xuống cơ sở phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ. Đây là nhiệm vụ cấp bách phải làm ngay, để đơn vị, địa phương, đất nước có động lực mới. Tại Hà Nội, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo xây dựng dự thảo Chỉ thị về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”.
Né tránh, đùn đẩy trách nhiệm
Cán bộ, công chức, viên chức sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm đã trở thành vấn đề nóng được nêu ra ở các cấp, các ngành, gióng lên hồi chuông cảnh báo trên nhiều diễn đàn khác nhau.
Đầu năm nay, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, bên cạnh kết quả tích cực, việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ vẫn là khâu yếu; kỷ luật, kỷ cương ở nhiều nơi chưa nghiêm, thậm chí còn có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; cái gì có lợi thì kéo về cho cơ quan, đơn vị và cá nhân mình; cái gì khó khăn thì đùn đẩy ra xã hội, cho cơ quan khác, người khác. Đến Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội XIII vừa qua, trong phát biểu kết luận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại, diễn biến phức tạp, không thể chủ quan, lơ là”.
Ngày 19-4-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 280/CĐ-TTg về “Chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương”. Người đứng đầu Chính phủ đánh giá, một bộ phận cán bộ, công chức đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền; có trường hợp đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác... “Hậu quả dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp”, Thủ tướng nhìn nhận.
Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng đã thẳng thắn chỉ rõ thực trạng trên. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu: “Có lẽ vấn đề lớn nhất hiện nay là cán bộ các cấp sợ, né tránh, đùn đẩy và lẩn tránh không làm”. Tại Hà Nội, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo khẳng định, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là một số chuyên viên, trưởng phòng, phó trưởng phòng tham mưu, giúp việc chưa đáp ứng được yêu cầu công việc theo vị trí việc làm; có tâm lý “bàn lùi”, “không làm thì không sai”; thiếu chủ động trong tham mưu hoặc tham mưu “lòng vòng”...
Việc cấp thiết, cấp bách
Tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm càng trở nên cấp thiết, cấp bách hơn trong bối cảnh trong nước và thế giới ngày càng khó khăn do suy giảm kinh tế.
Đứng trước thực trạng này, từ Trung ương xuống các bộ, ngành, địa phương đang có hàng loạt động thái mới nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, công chức. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 4 nhóm nhiệm vụ cụ thể đối với bộ trưởng các bộ và chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Tại Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm cá nhân, trực tiếp và toàn diện trước Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ và trước pháp luật đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền, được phân công, ủy quyền, được giao nhiệm vụ; kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác theo thẩm quyền đối với các cá nhân năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao… Thực hiện theo tinh thần này, vừa qua, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký quyết định tạm đình chỉ đối với Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia để thanh tra chuyên ngành về công tác quản lý, điều hành cung cấp điện.
Đến nay, các tỉnh, thành phố đã có văn bản triển khai thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Công điện của Thủ tướng Chính phủ về siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm cán bộ, công chức trong giải quyết công việc. Tại Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đã ban hành văn bản nêu
6 nhóm nhiệm vụ, trong đó yêu cầu, khi tham mưu, đề xuất UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố giải quyết công việc, các sở, ngành phải nêu rõ cơ sở pháp lý, thẩm quyền, quan điểm, kiến nghị rõ phương án giải quyết công việc. Trường hợp đề xuất từ 2 phương án trở lên phải có phương án chọn...
Có thể nói, với sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương xuống địa phương, việc khắc phục tình trạng cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm sẽ tạo sự chuyển biến rõ rệt trong đời sống. Đó cũng chính là sự tin tưởng, chờ mong của người dân.