Đòi hỏi tất yếu
Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đang được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ năm cho thấy sự cần thiết của việc xây dựng dự án luật này, nhất là khi xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Tính đến ngày 20-6, lực lượng công an đã bắt 74 đối tượng tấn công trụ sở 2 xã Ea Tiêu, Ea Ktur (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) bao gồm tất cả các nghi phạm cầm đầu. Đây là lời khẳng định đanh thép về quyết tâm trấn áp tội phạm. Tỉnh Đắk Lắk đã bình yên, đời sống nhân dân trở lại bình thường; tuy nhiên, vụ việc xảy ra lần này đòi hỏi phải quan tâm hơn tới an ninh cơ sở - nơi đầu tiên manh nha, phát sinh những vấn đề.
Cụm từ “xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân” lần đầu tiên được đề cập trong phần quốc phòng - an ninh của Văn kiện Đại hội lần thứ VII của Đảng. Từ đó đến nay, nhiệm vụ này ngày càng được thể hiện rõ hơn trong các văn kiện của Đảng và trong nhiều nghị quyết, chỉ thị của Trung ương. Để xây dựng được nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân thì nhất định phải bắt đầu từ cơ sở.
Việc tăng cường công an chính quy về xã thời gian qua đã đem lại hiệu quả tích cực, được nhân dân thừa nhận. Tuy nhiên, lực lượng này mới chỉ bảo đảm được một phần an ninh cơ sở. Bởi lẽ, thực tiễn đòi hỏi ngày càng cao, trong khi lực lượng công an ở xã còn mỏng, lại không chỉ đảm đương công tác an ninh mà còn tham gia vận động nhân dân, cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân.
Do đó, cùng với nòng cốt là công an chính quy, việc xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có ý nghĩa rất quan trọng. Lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện, làm nòng cốt trong mô hình tự quản bảo vệ an ninh, trật tự tại địa bàn xã, phường, thị trấn. Đây là lực lượng có chức năng hỗ trợ công an xã chính quy thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Việc ban hành một đạo luật để tổ chức lực lượng này một cách bài bản, chính quy, đồng bộ, thống nhất trên cả nước là đòi hỏi tất yếu khách quan. Đây sẽ là cơ sở pháp lý đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở hiện nay. Đó còn là sự mong chờ, là quyền lợi chính đáng của hàng vạn người dân đang tình nguyện tham gia giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở. Theo chương trình, sau khi tiếp thu ý kiến tại kỳ họp thứ năm, dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ được hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ sáu (tháng 10-2023).
Đối với các văn bản pháp luật, điều cần nhất là chất lượng nội dung, tính chất khả thi đem lại hiệu lực, hiệu quả khi đi vào đời sống. Quan trọng hơn, sau khi luật được ban hành và thực thi, thì an ninh, trật tự cơ sở phải tốt lên, giúp người dân thực sự được bình yên để sinh sống, lao động, sản xuất; doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh. Để làm được như vậy, cùng với các quy định nhằm xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đủ mạnh, có chế độ đãi ngộ phù hợp, phải quy định rõ các chế tài kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, nghiêm minh, phòng ngừa hiệu quả việc lạm dụng quyền lực, nhũng nhiễu, gây bức xúc trong nhân dân.