Xã hội

Đạo đức nghề nghiệp là vấn đề cốt lõi

Mai Hoa - Hà Hiền 21/06/2023 - 15:20

(HNM) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn các nhà báo phải trung thực, coi đó như một tiêu chuẩn đạo đức của người làm báo. Đạo đức nghề nghiệp được xem là vấn đề cốt lõi, sống còn đối với lao động báo chí, đòi hỏi người làm báo không ngừng tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp. Dưới đây là ý kiến của một số nhà báo về vấn đề này.

638217529548552022-thieu-tu-1-.jpg

Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân:

Báo chí là sự thật!

Khi tôi mới vào nghề, có một nhà báo lớn tuổi nói: “Làm báo là làm toán, không phải làm văn”. Lúc ấy, tôi cho rằng anh nhà báo ấy nói cho vui, nhưng trải qua những vấp váp trong nghề, tôi mới dần hiểu điều anh ấy nói là chính xác. Bởi làm báo, điều quan trọng nhất là viết cái gì, viết lúc nào, viết cho ai, viết để làm gì,… thì người viết phải tính toán, cân nhắc thấu đáo, nhiều khi cần cả ban lãnh đạo để cân nhắc những điều ấy. Còn, viết như thế nào là vấn đề tiếp theo…

Hiện nay, các bạn trẻ mới vào nghề thường rất thông minh, có khả năng làm việc hiệu quả, tuy nhiên, có những bạn nhầm lẫn giữa báo và văn. Các thầy, cô đã dạy rất kỹ, báo chí là sự thật, còn văn được quyền hư cấu, nhưng nhiều bạn vẫn lấy lời lẽ đưa đẩy, tả cảnh, tả tình là chính, ít thông điệp. Thậm chí, nguy hại hơn, một số bạn nói quá lên, tưởng tượng ra, làm méo mó sự thật. Nếu cảm hứng văn chương không được tiết chế sẽ dẫn nhà báo đến nơi vô cùng nguy hiểm, đó là đưa thông tin, phản ánh vấn đề thiếu trung thực, thiếu khách quan.

Vậy, làm thế nào để khắc phục điều này? Theo tôi, có một số cách cơ bản. Trước hết, người làm báo phải nghiên cứu khoa học cơ bản thì nhìn xã hội mới thấy rõ sự vận động của nó, từ đó viết gì, nói gì mới đúng. Đó là yêu cầu cao nhất của đạo đức nhà báo. Tiếp đến, người làm báo phải dấn thân vì nghề nghiệp, đừng quá tính toán thiệt hơn cho mỗi chuyến đi, bởi cái giá của mỗi chuyến đi là sự trải nghiệm đáng quý. Ngoài ra, người làm báo cần nuôi dưỡng tinh thần phản biện, không dễ bằng lòng với những gì đang có; tích cực đọc, học hỏi những người xung quanh…

hung-1-.jpg

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội Kiều Thanh Hùng:
Hoạt động kinh tế báo chí góp phần xây dựng thương hiệu, uy tín của tờ báo

Trong bối cảnh các cơ quan báo chí phải tự chủ tài chính, hoạt động kinh tế báo chí ngày càng đóng vai trò quan trọng. Đáng tiếc, áp lực tìm kiếm nguồn thu đôi khi quá lớn, trở thành nhân tố tác động khiến một số cơ quan báo chí để xảy ra tình trạng hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, người làm báo tống tiền doanh nghiệp, vi phạm pháp luật, bị khởi tố, gây ảnh hưởng xấu đến niềm tin của công chúng với giới báo chí.

Vì vậy, bài toán đặt ra là phải bảo đảm hài hòa giữa kinh tế báo chí với đạo đức nghề nghiệp và những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động báo chí. Chúng ta không coi nhẹ kinh tế báo chí, nhưng phải hiểu cặn kẽ về mối quan hệ khăng khít giữa kinh tế báo chí với nền tảng thương hiệu, uy tín chính trị của tờ báo. Hiệu quả kinh tế báo chí chỉ có thể đạt được một cách bền vững bằng vị trí, uy tín, thương hiệu của tờ báo; bằng những sản phẩm báo chí có chất lượng, thông tin chính xác, có tính thuyết phục cao. Đặc biệt, những người làm báo phải ý thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng uy tín, thương hiệu cá nhân, biết trau dồi tri thức, trình độ, bản lĩnh nghề nghiệp, không ngừng học hỏi để làm mới bản thân, chuyển đổi phương thức làm báo đa phương tiện, đáp ứng yêu cầu của truyền thông số.

Một khi báo chí xây dựng được uy tín, thương hiệu, có được niềm tin từ công chúng thông qua các sản phẩm báo chí chất lượng, đem lại dấu ấn tích cực trong cộng đồng, người làm báo được yêu mến, tìm đọc, chắc chắn các cơ quan báo chí sẽ có thêm nguồn thu từ việc thu phí độc giả trung thành, kết hợp nguồn kinh phí từ cơ chế đặt hàng của Nhà nước, nguồn thu từ quảng cáo... để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế báo chí, bảo đảm việc chăm lo đời sống của người làm báo.