Thị trường sôi động trước ngày Tết Đoan Ngọ
Trước Tết Đoan Ngọ 5-5 âm lịch một ngày, trên thị trường, các mặt hàng hoa trái phục vụ cúng lễ đã rất sôi động, đa dạng chủng loại với giá cả ổn định. Do Tết Đoan Ngọ vào ngày làm việc giữa tuần nên nhiều gia đình đã chọn mua đồ online để có thể thắp hương và diệt sâu bọ sớm.
Tết Đoan Ngọ (diễn ra vào mùng 5-5 âm lịch) là ngày Tết truyền thống của người Việt Nam. Ngày này người Việt thường chuẩn bị lễ cúng, thắp hương tạ ơn trời đất ban cho mùa màng bội thu, đồng thời bày tỏ mong ước sâu bọ không phát triển để cây cối đơm hoa kết quả tươi tốt.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại một số chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội như chợ Hôm - Đức Viên, Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), chợ Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm), Gia Lâm (quận Long Biên)..., từ sáng nay (tức mùng 4-5 âm lịch), thị trường các sản phẩm hàng hóa phục vụ Tết Đoan Ngọ đã bắt đầu nhộn nhịp.
Các mặt hàng để thắp hương trong ngày Tết Đoan Ngọ gồm: Bánh tro (hay bánh gio), cơm rượu nếp, trái cây, hoa tươi... nhìn chung giá không tăng so với năm ngoái.
Nói đến Tết Đoan Ngọ là nói đến cơm rượu nếp như món không thể thiếu. Ghi nhận trong hôm nay, tại nhiều cửa hàng, chợ truyền thống cơm rượu nếp đã được bày bán khá phong phú. Giá cơm rượu nếp cái hoa vàng hay nếp cẩm từ 70.000 - 100.000 đồng/kg, các hộp đóng sẵn có trọng lượng 350gr và 500, 600 gr có giá khoảng 30.000 đến 50.000 đồng/hộp. Chị Nga, tiểu thương bán cơm rượu nếp tại chợ Hàng Bè cho biết, cơm rượu nếp ngon là loại được ủ vừa đủ để hạt nếp căng mẩy, dậy hương rượu thơm nức.
Cùng với đó, mâm cỗ 5-5 không thể thiếu món bánh tro đi kèm mật mía. Đây là món bánh được làm từ gạo nếp và nước tro của nhiều loại cây có tác dụng thanh nhiệt, thải độc cho cơ thể.
“Năm nay giá bánh tro vẫn như năm ngoái, ở mức từ 50.000-70.000 đồng/chục. Hôm nay đã có nhiều người mua hơn ngày thường nhưng tôi dự báo sức mua không cao như trước dịch Covid-19 nên chỉ chuẩn bị lượng hàng tăng 10-15%”, chị Toàn - tiểu thương tại chợ Hôm - Đức Viên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ.
Các loại trái cây cũng được các bà nội trợ lựa chọn để cúng lễ 5-5 âm lịch. Giá trái cây dịp này nhích lên từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg tùy loại so với ngày thường như vải thiều có giá khoảng 20.000 - 35.000đồng/kg tùy loại; vải Thanh Hà có giá 50.000 đồng/kg; mận có giá từ 40.000 đến 75.000/kg loại to 20-27 quả/kg, quất hồng bì 40.000 - 45.000 đồng/kg... “Năm nay vải, mận và nhiều loại trái cây được mùa nên tuy những ngày này sức mua tăng nhưng giá không tăng nhiều như mọi năm”, chị Luân kinh doanh trái cây ở chợ Ngọc Lâm, quận Long Biên cho biết.
Giá hoa trong dịp này cũng không tăng so với ngày thường. Cụ thể, hoa hồng 40.000 - 55.000 đồng/10 bông; ly 15.000 - 25.000 đồng/cành 3-5 tai, cúc 45.000 đồng/10 bông, cúc chùm 30.000 đồng/bó…
Do Tết Đoan Ngọ đúng vào ngày giữa tuần nên hoạt động mua bán đồ lễ trên mạng xã hội khá nhộn nhịp. Nhiều cửa hàng kinh doanh online đã chuẩn bị các mâm cúng đa dạng, được bài trí đẹp mắt với các món đặc trưng như hoa quả tươi, cơm rượu nếp, hoa sen, trầu, cau... Các mâm trái cây, cơm rượu cúng Tết Đoan Ngọ đang được bán trên thị trường với mức giá dao động từ 150.000 đồng đến 800.000 đồng/mâm.
Chị Nguyễn Thị Nụ kinh doanh online cho biết, mẹt hoa trái cúng Tết Đoan Ngọ kích thước 30cm có giá 300.000 đến 500.000 đồng được nhiều người đặt hơn cả. Mức giá này bao gồm: Nếp cẩm, nếp cái hoa vàng, 1 đĩa 5 chiếc bánh gio kèm mật mía, chùm vải, mận hậu, quất hồng bì và hoa sen quan âm, nhánh hoa cau, hoa nhài, hoa mẫu đơn hay ngọc lan…
Chị Hà Anh (quận Hoàn Kiếm) cho biết, do phong tục người Việt thường cúng lễ sớm và diệt sâu bọ trước khi ăn sáng nên chị đặt trước và nhận ship hàng từ chiều 4-5. “Mọi năm, ra chợ khoảng 7h sáng ngày 5-5 âm lịch là đã gần như hết cơm rượu để mua nên năm nay tôi chuyển sang đặt mua trước để cúng sớm, kịp đi làm”, chị Hà Anh cho biết.