Đời sống

Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội: Được phục vụ là niềm hạnh phúc!

Mai Hoa 21/06/2023 - 12:52

(HNM) - Chăm sóc người có công là công tác thể hiện đạo lý cao đẹp, luôn được thành phố quan tâm để ngày càng làm tốt hơn. Điều này được cụ thể hóa qua hoạt động của Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội, khi toàn thể cán bộ, nhân viên đều ý thức rõ tinh thần “được phục vụ” trong thực thi nhiệm vụ. Để làm rõ hơn điều này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Trung tâm Chu Đình Điệp.

cham-soc-nguoi-co-cong-tai-.jpg
Chăm sóc người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội (quận Hà Đông). Ảnh: Nguyễn Quang

- Ông có thể chia sẻ đôi điều về công tác thực hiện nhiệm vụ tập trung, nuôi dưỡng, điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe người có công tại trung tâm?

- Thực hiện đón tiếp, tổ chức nuôi dưỡng và điều dưỡng luân phiên người có công với cách mạng, Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội (168 phố Thanh Bình, phường Mộ Lao, quận Hà Đông) có nhiệm vụ tổ chức khám, chữa bệnh, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục dưỡng sinh, tham quan ngoại khóa… nhằm nâng cao sức khỏe của người có công. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, chúng tôi luôn nêu cao ý thức “được phục vụ” để các bác thực sự hài lòng. Tất cả cán bộ, nhân viên của trung tâm đều phải nắm chắc chế độ chính sách, tiêu chuẩn của người có công, giải thích rõ ràng, rành mạch và thực hiện nghiêm túc với thái độ phục vụ tốt nhất.

- Nhiều người có công là thương, bệnh binh, công tác phục vụ mang tính chất đặc thù. Trung tâm triển khai nhiệm vụ với đối tượng này như thế nào, thưa ông?

- Thực tế cho thấy, có nhiều thương, bệnh binh bị di chứng chiến tranh, ảnh hưởng không nhỏ đến thể chất và tâm lý, đòi hỏi công tác phục vụ không những phải tốt về kỹ năng, mà còn phải thực sự tinh tế, chú trọng yếu tố tinh thần. Khi tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ, nhân viên, chúng tôi luôn nhấn mạnh sức mạnh của nụ cười trong việc hóa giải sự nóng giận, coi người có công là người thân, đồng thời, luôn phải rút kinh nghiệm từ những thiếu sót.

Thêm nữa, phải tính toán chu đáo từng chi tiết trong công tác phục vụ, ngay từ khi đón các bác tại quận, huyện, cho đến khi tiếp đón tại trung tâm. Tất cả phải thể hiện được tinh thần người có công đến với trung tâm là trở về với gia đình. Với các bữa ăn, ngoài việc thực hiện đúng, đủ chế độ, tiêu chuẩn, cán bộ Phòng Quản lý - Nuôi dưỡng còn chú trọng bày biện mâm cơm sao cho đẹp và ấm cúng. Hằng ngày, lãnh đạo trung tâm trực tiếp hỏi thăm các bác về từng bữa ăn xem có phù hợp khẩu vị. Buổi tối, phải đặt phích nước ra ngoài trước khi các bác đi ngủ để 4h sáng hôm sau, khi bổ sung nước nóng phục vụ pha trà, sẽ không làm các bác bị ảnh hưởng đến giấc ngủ… Tất cả phải kỹ lưỡng từng chi tiết, thể hiện được sự chân thành, trân trọng, yêu thương.

- HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 24 và 25 ngày 8-12-2022 với nhiều chế độ chính sách đặc thù trong công tác người có công, trung tâm đã vận dụng các chính sách này như thế nào, thưa ông?

- Các nghị quyết này một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Hà Nội đối với công tác người có công. Thực tế cho thấy, nếu cứ hai năm mới tổ chức một lần điều dưỡng thì chưa thể làm tốt công tác chăm sóc các bác. Vì vậy, chúng tôi đề xuất phải tổ chức điều dưỡng một năm một lần và được HĐND thành phố Hà Nội thông qua. Bên cạnh đó, thành phố cũng có chính sách tặng mỗi người có công đến điều dưỡng tại trung tâm 1 triệu đồng để kiểm tra sức khỏe. Đây là việc làm thực sự thiết thực và hữu ích.

Năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội giao chỉ tiêu cho trung tâm tổ chức nuôi dưỡng, điều dưỡng 3.700 lượt người có công. Nhờ tổ chức khoa học, cách làm chuyên nghiệp, khoảng 70% khối lượng công việc đã được chúng tôi hoàn thành, dù chưa hết kỳ 6 tháng đầu năm.

Điều băn khoăn của trung tâm là giữ được những cán bộ, nhân viên giỏi, giàu kinh nghiệm, bảo đảm công tác phục vụ người có công được duy trì ổn định và đạt hiệu quả cao nhất. Tình yêu nghề và tinh thần “được phục vụ” neo giữ chúng tôi với công việc, nhưng thực tế là chế độ chính sách, lương, thưởng của cán bộ, nhân viên của trung tâm còn rất hạn chế, khó bảo đảm đời sống. Trong khi đó, công việc của chúng tôi mang tính chất bảo trợ xã hội, góp phần bảo đảm an sinh, nâng cao phúc lợi và chất lượng cuộc sống cho người có công, người già hưu trí cô đơn.

Dẫu còn khó khăn, phần thưởng lớn nhất đối với chúng tôi là sự động viên của các bác, khi chia sẻ “chúng tôi thích đến đây”; hoặc việc các bác ngắm mâm cơm đẹp, "livestream" về cho gia đình xem; hay niềm vui của các bác khi được tổ chức sinh nhật, liên hoan văn nghệ, trong không khí đầm ấm, thân thiết… Xúc động nhất là khi về đến nhà, các bác gọi điện đến nói: “Bác về được vài tiếng rồi mà vẫn còn nguyên sự cảm kích tình nghĩa các cháu dành cho các bác, còn nguyên hình ảnh ánh mắt, nụ cười và cả những cái vẫy tay tạm biệt hẹn gặp lại”. Thực vậy, các bác đến với trung tâm chính là để được yêu thương, được kính trọng, vì thế lưu luyến, bịn rịn khi chia tay…

- Trân trọng cảm ơn ông!