Văn hóa

Cần đặt đạo đức nghề nghiệp lên trên lợi ích cá nhân

Hoàng Lân 21/06/2023 - 12:08

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và báo chí hiện đại, người làm báo cần phải nắm bắt các thông tin thời sự, dư luận xã hội trên các nền tảng mạng xã hội.

Việc sử dụng mạng xã hội là vô cùng cần thiết nhưng cũng đòi hỏi người làm báo cần có kỹ năng để khai thác, tìm hiểu, xác minh thông tin và trên hết là có thái độ tiếp cận đúng đắn, đặt trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp lên trên lợi ích cá nhân.

t3-ykien-kieu-thanh-hung.jpg

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội Kiều Thanh Hùng:
Không dùng mạng xã hội để trục lợi, đưa thông tin sai

Thời gian qua, gần 1.000 hội viên Hội Nhà báo thành phố Hà Nội rất có ý thức trong việc làm báo công nghệ, triển khai mô hình tòa soạn hội tụ, từng bước thực hiện chuyển đổi số, nâng cao chất lượng báo chí Thủ đô. Trong và sau đại dịch Covid-19, để nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí, Hội Nhà báo thành phố đã mở các lớp đào tạo để nâng cao nghiệp vụ làm báo, cách thức sử dụng các tác phẩm báo chí công nghệ cao, trong đó có việc sử dụng mạng xã hội, cho các hội viên thuộc các chi hội và liên chi hội.

Hội Nhà báo thành phố Hà Nội luôn định hướng rõ ràng tới các hội viên về việc sử dụng mạng xã hội sao cho hiệu quả, không để mạng xã hội dẫn dắt mà phải coi mạng xã hội là phương tiện để khai thác, truyền tải thông tin. Để làm được điều đó, người làm báo cần phải có trình độ chuyên môn và năng lực kiểm tra, thẩm định thông tin, đồng thời luôn giữ vững đạo đức người làm báo. Người làm báo cần xác định rõ yêu cầu đặt trách nhiệm của mình trên lợi ích cá nhân, tuyệt đối không sử dụng mạng xã hội để trục lợi, đưa thông tin sai vì mục đích riêng.

Thời gian tới, Hội Nhà báo thành phố sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tăng cường quản lý, xử lý nghiêm những phóng viên, hội viên vi phạm đạo đức người làm báo cũng như có những vi phạm khi sử dụng mạng xã hội.

t3-ykien-pham-cong-han.jpg

Nhà báo Phạm Công Hân (Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử VOV, Đài Tiếng nói Việt Nam):
Nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của người làm báo

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và báo chí hiện đại, người làm báo cần phải nắm bắt các thông tin thời sự, dư luận xã hội, công chúng trên các phương tiện, nền tảng xã hội. Việc sử dụng mạng xã hội là vô cùng cần thiết nhưng cũng đòi hỏi người làm báo cần có kỹ năng để khai thác, tìm hiểu, xác minh thông tin. Hiện nay, hầu hết các cơ quan báo chí đều có những quy định cụ thể đối với cán bộ, phóng viên, biên tập viên khi sử dụng, khai thác thông tin trên mạng xã hội cũng như đưa thông tin cá nhân lên mạng. Đây là việc làm cần thiết để định hướng cũng như nâng cao vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của người làm báo khi sử dụng mạng xã hội.

Bất cứ công dân Việt Nam nào sử dụng mạng xã hội cũng đều phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Tôi cho rằng hơn ai hết, người làm báo cần phải nắm rõ các quy định của pháp luật và các quy định nghề nghiệp. Mọi thông tin của nhà báo đưa ra, cung cấp trên mạng xã hội đều không được trái với đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Mỗi nhà báo đều phải có ý thức kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải, bảo đảm tính trung thực, khách quan, đúng sự thật; cảnh giác trước tin đồn, tin giả, thông tin chưa được kiểm chứng.

Bên cạnh đó, người làm báo khi đưa bất cứ thông tin gì lên mạng xã hội cần dùng ngôn từ lịch sự, chuẩn mực; không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân được pháp luật bảo vệ.

t3-ykien-nguyen-thu-trang.jpg

Nhà báo Nguyễn Thu Trang (phóng viên Báo Văn hóa):
Cần có cái nhìn khách quan, trung thực và nhân văn

Trong thời đại công nghệ số, mạng xã hội là một trong những kênh thông tin hữu ích để nhà báo khai thác, sử dụng. Việc nhà báo tham gia mạng xã hội để tiếp cận nguồn tin hay sử dụng mạng xã hội như một kênh truyền phát thông tin, quảng bá sản phẩm báo chí là cần thiết và ngày càng trở nên phổ biến. Thực tế, nhiều vấn đề xã hội nổi cộm được dư luận xã hội quan tâm xuất phát từ mạng xã hội và được phản ánh qua mạng xã hội. Từ những vấn đề được dư luận chú ý trên mạng xã hội, các cơ quan báo chí, đội ngũ phóng viên, nhà báo khai thác thêm, làm rõ bản chất vấn đề, sự kiện, góp phần hiệu quả vào việc định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, xây dựng văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, mạng xã hội cũng có những mặt trái, nhiều thông tin không được kiểm chứng rõ ràng. Vì thế vai trò của người làm báo là cần phải xác minh rõ thông tin trước khi sử dụng. Người làm báo khi tham gia mạng xã hội cần có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng và cái nhìn khách quan, trung thực và nhân văn để không chỉ khai thác mà cả khi đăng tải, truyền dẫn thông tin cần phải hiểu rõ thông tin đăng tải đó có làm tổn hại, xâm phạm đời tư người khác hay không, có tác động xã hội như thế nào...