Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh không nên quá chi tiết
Nhiều đại biểu cho rằng quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh không nên quá chi tiết; đơn giản hóa các tiêu chí và nội dung của kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, sáng 21-6, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, nhiều đại biểu cho rằng quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh không nên quá chi tiết; đơn giản hóa các tiêu chí và nội dung của kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện.
Khẳng định quy hoạch sử dụng đất là nội dung đặc biệt quan trọng và được thể hiện xuyên suốt trong Luật Đất đai, đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) đề nghị đánh giá kĩ lưỡng để có điều chỉnh phù hợp để quản lý, sử dụng đất có hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu Trần Đình Gia cho biết, quy hoạch sử dụng đất được phân thành 3 cấp gồm cấp quốc gia - cấp tỉnh - cấp huyện.
Để thuận lợi cho công tác quản lý của cơ quan trung ương và chủ động trong tổ chức thực hiện của địa phương, mỗi cấp quy hoạch cấp quốc gia và cấp tỉnh cần giới hạn một số nhóm đất chính cần thiết để đảm bảo mục tiêu tầm quốc gia và cấp tỉnh, không quy định quá chi tiết về các loại đất, chi tiết chỉ tiêu sử dụng đất trên cấp trên phân bổ cho cấp dưới, không khống chế chỉ tiêu tổng của từng loại đất như đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chưa sử dụng.
Theo đại biểu Trần Đình Gia, các chỉ tiêu sử dụng đất sẽ được thể hiện chi tiết ở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Ngoài ra, cần có cơ chế linh hoạt trong việc đánh giá sự phù hợp giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Một khu đất có thể có nhiều mục đích sử dụng nhiều loại đất mà chưa thể xác định rõ được trong quá trình lập quy hoạch.
Theo đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh), về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Khoản 9 Điều 60 của dự thảo Luật đang quy định: Các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời; quy hoạch được lập, thẩm định xong trước được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh phù hợp quy hoạch cao hơn.
Đại biểu cho rằng, việc quy định các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời để các cấp quy hoạch có sự chủ động hơn trong thực hiện quy hoạch cấp mình. Tuy nhiên, để hoàn chỉnh quy hoạch của cấp dưới thì cần chờ quy hoạch của cấp trên, dù quy hoạch của cấp dưới được chủ động thực hiện trước thì cũng khó có thể thẩm định, phê duyệt trước nếu chưa có quy hoạch của cấp trên. Do đó, quy định này trong dự luật sẽ khó thực thi trong thực tiễn.
Đại biểu đề nghị nên quy định theo hướng, các quy hoạch sử dụng đất có thể được lập đồng thời, quy hoạch sử dụng đất cao hơn được phê duyệt trước quy hoạch cấp thấp hơn. Đồng thời, cần quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn về trách nhiệm, thời gian hoàn thành quy hoạch, tránh tình trạng cấp dưới phải chờ quy hoạch của cấp trên, kéo dài thời gian lập quy hoạch, ảnh hưởng đến quyền lợi của các tổ chức, cá nhân...
Trong khi đó, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) cho biết, Khoản 1 Điều 60 của dự thảo Luật quy định, các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được phê duyệt.
Đại biểu cho rằng, đối với quy hoạch sử dụng đất, từ khi thực hiện Luật Đất đai năm 1987 đã thực hiện tốt theo nguyên tắc từ tổng thể đến chi tiết, quy hoạch cấp dưới phải căn cứ và phù hợp với quy hoạch cấp trên, hơn nữa, quy hoạch sử dụng đất mang tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Đại biểu đề nghị với quy hoạch sử dụng đất, nên thực hiện nguyên tắc từ quy hoạch sử dụng đất quốc gia, sau đó mới lập đến cấp tỉnh, cấp huyện.