Cầu sắt tạm bắc qua sông Đáy không bảo đảm an toàn: Mong sớm có cầu kiên cố
Giao thông - Ngày đăng : 06:43, 21/06/2023
Không bảo đảm an toàn giao thông
Ngày 19-6, đi thực tế tại cầu My Hạ nối xã Thanh Mai (huyện Thanh Oai) với xã Hoàng Diệu (huyện Chương Mỹ), phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận, cầu dài khoảng 40m, mặt cầu rộng chưa đầy 1,5m, được làm bằng những tấm thép hình chữ V ghép lại nên chỉ có xe đạp và xe máy được lưu thông. Đáng nói, lan can cầu thấp chừng 40cm, bị gãy ở nhiều đoạn nên không bảo đảm an toàn cho người dân khi đi qua.
Cách đó không xa, về phía hạ lưu sông Đáy có cầu Cốc Thượng, cũng nối xã Hoàng Diệu và xã Thanh Mai. Cầu dài khoảng 50m, mặt cầu rộng 2,5m, mố cầu làm bằng các cột bê tông. Theo quan sát trong khoảng 30 phút, có khá đông xe máy, xe đạp và ô tô từ 1,5 tấn trở xuống qua cầu. Mỗi khi phương tiện có trọng tải lớn đi qua, cầu Cốc Thượng rung lên và phát ra tiếng kêu lớn.
Anh Nguyễn Hoàng Anh (ở thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai) cho biết: “Tôi thường xuyên qua cầu Cốc Thượng bằng ô tô. Dù về cảm quan cầu tương đối chắc chắn nhưng mỗi khi đi qua tôi vẫn thấy lo vì cầu rung lắc. Song, nếu đi vòng xuống cầu Văn Phương để sang Hoàng Diệu sẽ xa hơn khoảng 12km và xa hơn 20km nếu đi lên phía cầu Mai Lĩnh. Do đó, nhiều người vẫn chọn đi qua cầu này”.
Cũng trên địa bàn xã Hoàng Diệu còn có cầu phao Trại Hạ (hay còn gọi là "cầu bà Luân"), nối với xã Kim An (huyện Thanh Oai). Cầu này hiện chỉ dành cho xe máy, xe đạp và người đi bộ nhưng cũng không thể sử dụng được khi nước sông Đáy dâng cao.
Ngược về phía thượng nguồn sông Đáy, có 3 cầu sắt được xây dựng từ lâu, nối xã Lam Điền (huyện Chương Mỹ) với xã Thanh Cao và Cao Viên (huyện Thanh Oai). Điểm chung của các cầu này là mặt cầu làm bằng những tấm thép phẳng hoặc chữ V ghép lại với nhau; mố và trụ cầu xây bằng gạch, cột bê tông, thép hình… Chủ tịch UBND xã Lam Điền Đặng Văn Hùng cho biết, kinh phí xây dựng các cầu tạm trên địa bàn đều của những hộ cá nhân. Các cầu đang được các xã liên quan giao thầu cho những hộ này quản lý, thu phí với giá bình quân 2.000-3.000 đồng/lượt xe đạp, xe máy; 10.000-15.000 đồng/lượt ô tô tùy loại.
Mong sớm được xây cầu kiên cố
Theo thống kê của UBND huyện Thanh Oai, hiện có 8 cây cầu bắc qua sông Đáy nối huyện Thanh Oai với huyện Chương Mỹ. Những năm gần đây, mặc dù nhu cầu đi lại, giao lưu buôn bán của nhân dân hai huyện ngày càng lớn nhưng mới chỉ có 2/8 cầu được xây dựng kiên cố; còn lại 6/8 cầu là cầu sắt tạm, cầu phao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao mất an toàn.
Chủ tịch UBND xã Hoàng Diệu Đào Danh Dũng thông tin, hằng ngày, có đến một nửa dân số trong độ tuổi lao động của xã đi làm, vận chuyển nông sản, hàng hóa qua các cầu tạm và cầu phao nối với huyện Thanh Oai. Dù một số cầu chưa bảo đảm an toàn do không được kiểm định chất lượng, nhưng để rút ngắn thời gian đi lại giữa các địa phương, người dân hai địa phương vẫn phải lựa chọn lưu thông qua những tuyến này.
Còn Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Chương Mỹ Nguyễn Huy Tuấn thừa nhận, hầu hết các cầu sắt tạm, cầu phao bắc qua sông Đáy nối Chương Mỹ và Thanh Oai đều không bảo đảm an toàn. Các cầu được xây dựng đều tự phát do thực tiễn nhu cầu đi lại của người dân hai bên bờ và bằng nguồn vốn xã hội hóa từ nhiều năm nay nên công tác quản lý gặp khó khăn. Trước thực trạng trên, từ năm 2019, huyện đã mời các sở, ngành của thành phố về khảo sát những cây cầu xuống cấp và đề xuất xây dựng thêm cầu kiên cố tại các điểm theo quy hoạch, song đến nay vẫn chưa được triển khai.
Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Oai Nguyễn Ngọc Minh khẳng định, UBND huyện đang triển khai lập Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Oai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Căn cứ nhu cầu kết nối giao thông liên xã, liên huyện, huyện Thanh Oai sẽ định hướng quy hoạch một số tuyến đường cũng như cầu bắc qua sông Đáy, bảo đảm kết nối giao thông, phục vụ nhu cầu của nhân dân trong vùng.
Mong rằng, trong tương lai gần, những cây cầu kiên cố nối hai huyện Thanh Oai và Chương Mỹ sẽ được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương phát triển.