Các vùng rau an toàn: “Gỡ khó” để mở rộng
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:46, 21/06/2023
Nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao
Bà Nguyễn Thị Ngư, nhóm trưởng sản xuất của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đặng Xá (huyện Gia Lâm) cho biết, hợp tác xã có 200ha sản xuất rau, trong đó có 117ha đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Để tăng cường kiểm soát chất lượng, từ năm 2016, được sự hướng dẫn của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Gia Lâm, hợp tác xã đã phân các nhóm, tổ sản xuất rau an toàn tự quản. Hiện nay, mỗi ngày hợp tác xã cung ứng ra thị trường từ 30 đến 35 tấn rau các loại, chưa kể một phần sản lượng không nhỏ được cung ứng cho thị trường bán lẻ trong và ngoài huyện.
Còn Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình (quận Hà Đông) Trịnh Văn Vĩnh thông tin, trong 22ha rau vụ xuân của hợp tác xã, có 11,7ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hợp tác xã giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất rau an toàn, phun thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm thời gian cách ly, có ghi chép đầy đủ của nông dân. Nhờ hướng canh tác an toàn, hợp tác xã đã có 6 sản phẩm (rau mồng tơi, su hào, cải mơ, bắp cải, đậu trạch, cà chua) đạt chuẩn 3 sao của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), cung cấp cho thị trường khoảng 640 tấn rau quả/năm, doanh thu gần 4 tỷ đồng.
Về hiệu quả của các mô hình trồng rau an toàn, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng đánh giá, toàn thành phố hiện có 5.044ha sản xuất rau an toàn, hơn 50ha sản xuất rau hữu cơ và nhiều mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao. Những sản phẩm rau an toàn trồng trên địa bàn thành phố đều bảo đảm vệ sinh thực phẩm, giá trị sản xuất đạt 300-500 triệu đồng/ha/năm và có khoảng 1.200ha đạt giá trị 1 tỷ đồng/ha/năm do sản xuất rau trong nhà màng, nhà lưới, trồng rau trái vụ…, cao hơn từ 10% đến 20% so với sản xuất rau theo hướng truyền thống.
Góp phần kiểm soát chất lượng, ngành Nông nghiệp cũng tập huấn kiến thức về sản xuất rau an toàn cả ở các vùng chuyên canh và các vùng sản xuất quy mô nhỏ. Thông qua những đợt tập huấn kỹ thuật và tuyên truyền, nông dân đã thay đổi tập quán canh tác và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý hơn. Đến nay, tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học trong sản xuất rau an toàn đạt hơn 60%. Chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất rau an toàn giảm 50% và nông dân đã tuân thủ đúng thời gian cách ly sau khi thu hoạch.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển thêm 3.000-4.000ha rau an toàn; đồng thời, tiếp tục đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, các vùng trồng rau an toàn của Hà Nội vẫn gặp khó về đầu ra và trong khâu sơ chế, chế biến, bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm rau, củ. Một số hộ nông dân chưa quen với việc ghi chép nhật ký đồng ruộng, chưa tuân thủ thời gian cách ly trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật...
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua chia sẻ, hợp tác xã luôn chú trọng sản xuất an toàn, ghi chép nhật ký chăm sóc để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Tuy nhiên, để mở rộng vùng trồng rau an toàn, hợp tác xã mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ trong liên kết, ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp phân phối, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, có chính sách cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để hợp tác xã đầu tư xây dựng khu chế biến, sơ chế rau khi vào vụ thu hoạch...
Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản khẳng định, huyện đang tiếp tục đầu tư kiên cố hóa kênh mương thủy lợi nội đồng ở hạ tầng các vùng sản xuất rau an toàn; đồng thời, hỗ trợ kinh phí cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn cho các vùng chuyên canh. Bên cạnh đó, huyện còn phối hợp với ngành Nông nghiệp thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về sản xuất rau an toàn cho nông dân.
Bà Nguyễn Thị Tân Lộc, Viện Nghiên cứu rau quả cho rằng, để mở rộng các vùng trồng rau an toàn, Hà Nội cần có những chính sách hỗ trợ cho người dân, như chi phí chứng nhận, bảo hộ nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm nghiệm, đăng ký mã số, mã vạch, cung cấp dịch vụ tư vấn về phát triển sản phẩm rau an toàn. Mặt khác, các địa phương cũng cần định hướng cho người dân trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất cho phù hợp với nhu cầu thị trường…
“Các địa phương cần ưu tiên cho các vùng rau an toàn được chuyển giao kỹ thuật, đầu tư mạnh theo hướng công nghệ cao, nhằm tạo ra các sản phẩm nông sản an toàn, nâng cao giá trị kinh tế và sức cạnh tranh trên thị trường”, bà Nguyễn Thị Tân Lộc nhấn mạnh.