Thu nhập bình quân lao động Vinatex đạt 9,3 triệu đồng/tháng
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 14:45, 20/06/2023
Ngành dệt may Việt Nam trải qua 4 tháng đầu năm “trầm lắng” với kim ngạch xuất khẩu giảm 20% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu nhất trong các quốc gia xuất khẩu dệt may. Nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, nhận đơn hàng nhỏ lẻ, đơn giá thấp, thời gian giao hàng nhanh cùng nhiều yêu cầu khắt khe...
“Nhiều đơn vị sản xuất có giá gia công giảm tới 50%. Có những doanh nghiệp quy mô vài nghìn lao động phải nhận đơn hàng 500 - 1.000 áo jacket mà vẫn phải làm”, ông Cao Hữu Hiếu cho biết.
Còn doanh nghiệp ngành sợi cũng gặp không ít khó khăn khi thị trường thu hẹp, giá không cạnh tranh, tồn kho lớn... Trong khi đó, các yếu tố tỷ giá, lãi suất, tiền lương, chi phí đầu vào tăng cao, việc cắt điện luân phiên tại khu vực miền Bắc từ cuối tháng 5 đến nay ảnh hưởng lớn tới sản xuất…
Để ứng phó, Vinatex đẩy mạnh dự báo thị trường, hỗ trợ, đưa ra định hướng để các đơn vị có thể chủ động lên kế hoạch sản xuất... Vượt lên nhiều khó khăn, 62.000 lao động toàn hệ thống Vinatex vẫn duy trì việc làm, với thu nhập bình quân 9,3 triệu đồng/tháng. Quý I-2023 toàn tập đoàn đạt doanh thu hợp nhất 4.462 tỷ đồng, bằng 25,5% kế hoạch năm; quý 2 dự kiến doanh thu đạt 4.340 tỷ đồng. Lợi nhuận hai quý tương ứng là 118 tỷ đồng và 58 tỷ đồng. Tính trung bình 4 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may đạt 3 tỷ USD/tháng, nhưng sang tháng 5 xuất khẩu đã tăng lên 3,5 tỷ USD, tuy vẫn giảm 10% so với năm 2022 song đã có mức tăng trưởng khả quan.
Vinatex dự báo, trong những tháng còn lại của năm 2023, thị trường dệt may và thời trang sẽ gặp nhiều khó khăn. Từ thực tế này, Vinatex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2023 đạt 17.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 610 tỷ đồng, trong đó doanh thu công ty mẹ đạt 1.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 210 tỷ đồng.